Các chuyên gia thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ vừa chế tạo thành công một hệ thống camera với tốc độ cực nhanh có thể giúp người ta quan sát được sự chuyển động của ánh sáng.

Theo The New York Times, hệ thống camera do các chuyên gia thuộc phòng thí nghiệm Media của MIT phát triển có tốc độ màn chập cực nhanh có thể chụp lại đường đi của ánh sáng. Hệ thống camera đặc biệt này được phát triển dựa trên thiết bị camera streak sử dụng 500 cảm biến tiếp nhận ánh sáng với tốc độ màn chập lên tới một nghìn tỉ khung hình trên giây.

Streak camera vốn được thiết kế để thu thập thông tin về bước sóng của ánh sáng, cách phổ biến để xác định thành phần vật chất của một đối tượng. Các phân tử khác nhau hấp thụ các bước sóng ánh sáng khác nhau. Do đó, các nhà khoa học có thể xác định phân tử bằng cách phân tích mật độ quang phổ của chúng và máy ảnh này sẽ cho phép họ làm điều đó.

Trong thí nghiệm của mình, bằng cách sửa đổi các thiết bị, các nhà nghiên cứu đã có thể tạo ra một thước phim chuyển động chậm, ghi lại toàn bộ quá trình tia laser đi từ đầu này tới đầu kia của chai nhựa đựng chất lỏng.

Để tạo ra thước phim này, các nhà nghiên cứu đã ghi lại khoảng 500 khung hình trong mỗi nano giây. Tuy nhiên, máy ảnh này không chụp toàn bộ khung cảnh cùng một lúc, mà nó thu thập các dải dữ liệu có thể xác định sự di chuyển đến và đi của các hạt photon trong một chiều. Những thông tin này là thuật toán được biên dịch để tạo ra một đoạn video 2 chiều như chúng ta thấy. Các nhà khoa học cho biết, nếu như muốn ghi lại chuyển động của một viên đạn trong môi trường chất lỏng tương tự thì đoạn phim của quá trình viên đạn bay có thể kéo dài tới 3 năm.

“Bạn có thể nghĩ nó quá chậm”, Andreas Velten, một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại MIT, thành viên của nhóm nghiên cứu nói: “Quả thực là phải rất chậm thì bạn mới có thể nhìn thấy được sự chuyển động của ánh sáng. Nhưng đây là tốc độ của ánh sáng. Không có thứ gì trong vũ trụ này nhanh hơn nó”.

Các chuyên gia tại MIT cho biết phát minh của họ rất quan trọng và có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như y học, công nghệ và nghệ thuật nhiếp ảnh.

Nam Phong