- Đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT phối hợp lên kế hoạch phòng chống, với tổng mức kinh phí dự trù trên 120 triệu USD.
Trong đó, Bộ Y tế dự trù kinh phí khoảng 114,78 triệu USD, Bộ NN-PTNT hơn 5,5 triệu USD. Phần lớn số tiền này để tập trung nâng cấp trang thiết bị điều tra, giám sát, trang thiết bị phòng xét nghiệm, thí nghiệm, điều trị... trong các tình huống giả định được đưa ra.
Tại Hội nghị Huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam tổ chức sáng 6/5, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, tất cả các mẫu xét nghiệm trên gia cầm đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm sự xâm nhập của virus H7N9.
Cụ thể, kết quả xét nghiệm mẫu lấy từ 425 chợ thuộc 125 huyện ở 30 tỉnh, thành cả nước có buôn bán gia cầm (do dự án FAO, VAHIP và OIE thực hiện), cho thấy, có 29/30 (96,67%) tỉnh, thành có virus cúm H5 và 20/30 (66,67%) tỉnh, thành có virus cúm H5N1; 284 chợ (66,8%) dương tính cúm A; 105 chợ (24,7%) dương tính với virus H5 và 95 chợ (22,3%) dương tính với virus H5N1; 2 mẫu vịt tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp dương tính với virus H7.
Trên gia cầm nhập lậu bị bắt giữ, phát hiện một số mẫu tại tỉnh Lạng Sơn dương tính với virus H5N1; hai tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội đều cho kết quả âm tính.Xét nghiệm sàng lọc 634 mẫu được thu tập từ tháng 9/2012-3/2013 qua chương trình giám sát tại các chợ đường biên cho kết quả dương tính với cúm A nhưng âm tính với H5, không phát hiện thấy virus H7N9.
Bà Nguyễn Thu Thủy nói thêm, từ tháng 5/2013 cơ quan này sẽ triển khai chương trình giám sát chủ động 60 chợ gia cầm sống với khoảng 18.000 mẫu ở 9 tỉnh có nguy cơ cao đối với dịch cúm A/H7N9.Bảo Hân