Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, gần đây tiếp nhân một số bệnh nhân bị chứng bàng quang tăng hoạt. Cụ thể, bệnh nhân N.T.K., (35 tuổi, ngụ tại Phú Yên), suốt 2 tháng bị đi tiểu nhiều lần vào ban ngày, cứ khoảng 30 phút lại muốn đi tiểu. Vì vậy, chị K. thường mặc cảm khi thường xuyên đi vệ sinh, chưa hết ban đêm mất ngủ vì thức dậy đến 2-3 lần để đi tiểu. Bệnh nhân ban đầu đến khám bệnh viện địa phương, song không hiệu quả.

Sau đó, chị K. tìm đến khoa Niệu học chức năng thăm khám. Tại đây, bác sĩ đã theo dõi nhật ký bàng quang và phát hiện chị có thói quen uống nước quá nhiều vào cả buổi sáng và buổi tối. Vì thế, bác sĩ đã điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, hạn chế lại thói quen uống nước quá nhiều kết hợp điều trị bằng thuốc kháng muscarinic cho chị K. Kết quả chỉ sau 2 lần điều trị, mỗi lần tái khám sau 2 tuần, các triệu chứng bàng quang tăng hoạt của chị K. giảm tới 70%.

{keywords}

Một ca bệnh được khoa Niệu chức năng can thiệp khi bị chứng bàng quang tăng hoạt. Ảnh: BSCC

Tương tự, bệnh nhân H.T.L, (55 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bị các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt đã nhiều năm nay. Bà L. đi tiểu trung bình hơn 10 lần/ ngày, tiểu đêm ít nhất 2 lần và thỉnh thoảng còn tiểu không kiểm soát. Sau thời gian điều trị không hiệu quả ở BV tuyến quận, bệnh nhân tại Khoa Niệu học chức năng, các bác sĩ đã tiến hành tiêm Botox vào bàng quang cho người bệnh sau khi sử  dụng thuốc liều cao và kháng muscarinic hơn 2 tháng mà vẫn không thuyên giảm. 4 tháng sau, bệnh nhân đã cải thiện chứng tiểu không kiểm soát đến 80%.

Thống kê cho thấy, trên thế giới có khoảng 16 - 17% dân số mắc bệnh. Ở Việt Nam, có khoảng hơn 10 triệu người có các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt, nghĩa là 10 người thì gần như 1 người bị.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng BV Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo, người có các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Đối với các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt, việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt rất quan trọng, có thể làm giảm tới 50% triệu chứng của bệnh. Việc điều trị có thể kéo dài, nhiều trường hợp các triệu chứng tái phát do không duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp hoặc tự ý ngưng thuốc. Do đó, người bệnh nên tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

 Phan Nhơn