- Những bức ảnh minh họa đã xuất hiện từ lâu trên internet trong những quảng cáo bất động sản, một ngày nọ bỗng nhiên trở thành ảnh “biệt thự xa hoa” của một vị lãnh đạo cấp cao.
Sự lộn sòng “đổi trắng thay đen” này cho thấy cái thủ đoạn “gắp lửa bỏ tay người” hóa ra không dễ gì tuyệt diệt, kể cả sau khi đã bị vạch mặt nhiều lần. Đã từng có việc trên mạng hình ảnh một lâu đài nguy nga tráng lệ được chú thích là biệt thự của gia đình một vị lãnh đạo. Nhiều người bán tín, bán nghi. Mãi đến khi có người chỉ ra rằng hình ảnh đó đích thị là lâu đài của Thủ tướng Paskitan, thì mọi người mới vỡ lẽ rằng đấy là chuyện gán ghép trắng trợn.
Nay, cái bổn cũ đó dường như đang được soạn lại để nhằm tới một lãnh đạo cấp cao khác.
Tung ra trên mạng những thông tin bịa đặt trắng trợn mà để tỏ vẻ khách quan, bọc thêm cái vỏ là thông tin “chưa được kiểm chứng”, có những thông tin được bịa ra, có những thông tin được nhào nặn theo đúng thủ đoạn trong vụ “lâu đài Thủ tướng Pakistan” nói trên.
Hãy thử kiểm tra một vài trong số những bức ảnh mà người ta đang gán ghép cho vị lãnh đạo . Chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên một máy tính nối mạng, có thể thấy ngay nguồn gốc những bức ảnh ấy, chúng xuất hiện nhan nhản trên các trang tin rao bán bất động sản.
Người ta đã lợi dụng “google”, lấy những bứcảnh có sẵn trên mạng để “gắp lửa bỏ tay người” như vậy đấy. “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, còn một nửa sự thật đã là sự giả dối”.
Sự tung tin “chưa được kiểm chứng” trong một thời điểm như hiện nay rõ ràng không hề vô tình, vô ý. Và chúng ta, mà trước hết là các cơ quan báo chí – truyền thông,không thể dửng dưng vô tình.
Ngày25/12, phát biểu tại hội nghị của ngành Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướngVũ Đức Đam đã lưu ý ở thời điểm gần các sự kiện lớn của đất nước, cần chú trọng đấu tranh chống lại những thông tin không đúng sự thật, bất lợi, gây chia rẽ, nhụt chí, đồng thời chủ động tích cực cung cấp những thông tin đúng, nhanh.
“Cây ngay không sợ chết đứng”, nhưng chúng ta cũng không nên coi thường sức mạnh phá hoại của những thông tin bịa đặt. Nhắc lại sự khác biệt giữa sự thật và bánh mỳ, thiết tưởng cũng không nên chủ quan với cái thủ đoạn chiến tranh tâm lý từng được đúc kết: “Sự thật là điều dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần”.
Đó chỉ là sự ngụy biện của những kẻ đứng ở phía đối đầu với sự thật. Sự thật cuối cùng sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng dường như đã có một thời gian dài, chúng ta cho rằng không cần phản bác lại những thông tin bịa đặt ấy, với suy nghĩ rằng chúng không đáng để tâm. Nay, có lẽ phải thay đổi cách nhìn và cách ứng xử với chúng.
Bởi trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ thông tin, nếu thông tin đúng đắn là một sức mạnh, thì những thông tin sai lệch cũng có thể mang sức mạnh phá hoại mù quáng không ngờ. Có lẽ việc dựng chuyện và tung hê những câu chuyện dựng đứng như vậy để chúng lây lan như loài nấm độc chưa bao giờ dễ như hiện nay.
Cũng phải thẳng thắn nói thêm, kẻo những kẻ dựng chuyện lại tiếp tục lu loa – rằng những thông tin bịa đặt, hoàn toàn không được kiểm chứng trên mạng là khác xa, nếu không muốn nói là đối lập hoàn toàn, với những thông tin được đăng tải trên báo chí Việt Nam, chẳng hạn như về chuyện nhà cửa của một số cán bộ về hưu thời gian qua. Không thể đánh đồng cách đặt vấn đề, cách đặt câu hỏi có cơ sở và có trách nhiệm của các nhà báo, của các cơ quan báo chí, với việc dựng chuyện “từ không thành có”, “từ trắng thành đen” của những kẻ thiếu thiện chí, nếu không muốn nói là đầy ác ý.
Đất nước này, xã hội này và cuộc sống sẽ ra sao nếu mỗi người trong chúng ta dửng dưng im lặng trước những thông tin bịa đặt, dựng chuyện, lăng mạ nhằm vào một con người, dù người ấy là một lãnh đạo cấp cao hay một người dân thường? Và cóai dám chắc rằng những lời bịa đặt ấy sẽ không bất ngờ đổ ập xuống đầu mình vào một ngày nào đó?
Một văn hào Nga đã từng viết đầy day dứt về cái phần dửng dưng ấy trong mỗi chúng ta, đại ý: Nhìn thấy và nghe thấy những lời nói dối, để cho thiên hạ bảo anh là ngu xuẩn chỉ vì anh đã nghe những lời dối trá ấy, nhẫn nhục chịu đựng những sự lăng mạ, khinh miệt, không dám nói thẳng rằng anh đứng về phía những người trung thực.
Cuối cùng, xin được nhắc lại lời cảnh báo của một tác giả: Gieo rắc những thông tin mù mờ, sai sự thật để thoả mãn những mục đích thấp hèn chính là cái xấu, cái ác, không thể nhân nhượng. Cái ác hôm nay đánh vào được một người, nó sẽ đánh vào được một tập thể, nếu không được ngăn chặn kịp thời, ngày mai nó sẽ làm cho cả xã hội hoang mang, mất lòng tin, rồi trở nên bấn loạn, rối ren. Và sự đổ vỡ bắt đầu từ đó.
- Hoàng Lương