- “Điều mà chúng ta cần là một khuôn khổ toàn cầu cho hành động của tất cả các nền kinh tế lớn, đã phát triển và đang phát triển”, bà Connie Hedegaard, Cao Ủy châu Âu về Hành động vì Khí hậu nói tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Durban (Nam Phi).

LTS: Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu diễn ra tại Durban, Nam Phi từ 28/11-9/12 đang trở thành một điểm nóng khi những báo cáo mới nhất cho thấy lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển Trái đất đang tăng ở mức kỷ lục và Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực trong năm tới, năm 2012. Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh Durban được coi là cơ hội cuối cùng để các quốc gia thuộc LHQ có được một thỏa thuận chung về vấn đề biến đổi khí hậu hậu-Kyoto. Trong bối cảnh đó, bài phát biểu của bà Connie Hedegaard, Cao Ủy châu Âu về Hành động vì Khí hậu nói tại Hội nghị đã đặt ra vấn đề cốt lõi trong việc giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu: Lộ trình và khuôn khổ chung cho hành động của tất cả các quốc gia và nền kinh tế. Để tiện cho bạn đọc theo dõi VietNamNet xin được trích đăng toàn văn bài phát biểu của bà Connie Hedegaard.

…Một vài người có thể sẽ hỏi: Liệu chúng ta có thể đợi một chút và sau đó giải quyết các thách thức về khí hậu khi chúng ta đã giải quyết xong vấn đề khủng hoảng nợ tại châu Âu và khi tăng trưởng đã quay trở lại? Câu trả lời là không.

Lụt lội tại Thailand hay hạn hán tại Texas và Vùng sừng châu Phi chỉ là những điều nhắc nhở gần đây nhất cho chúng ta thấy rằng thách thức về khí hậu luôn là vấn đề cấp bách bởi vì biến đổi khí hậu đang trở nên tồi tệ hơn.

Lụt lội tấn công Bankok Thái Lan. Ảnh: Boston.

Báo cáo Tầm nhìn năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là một lời kêu gọi rõ ràng: thời gian đang sắp hết và chi cái giá trả sẽ tăng nhiều lần nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ.

Vậy thì chúng ta có thể đạt được gì tại Durban? Từ dư luận báo chí ta có thể cảm nhận rằng chỉ có một thước đo thành công: Thu hút các quốc gia phát triển vào việc ký môt cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto để tiếp nối cam kết thứ nhất khi cam kết này hết hiệu lực vào năm 2012.

EU ủng hộ Nghị định thư Kyoto. Chúng ta xây dựng luật pháp của mình trên cơ sở các nguyên tắc của nó. Chúng ta là khu vực có mục tiêu tham vọng nhất trong Kyoto và chúng ta đang tiếp cận mục tiêu. Thực tế là chúng ta có khả năng vượt mục tiêu.

Nhưng Nghị định thư Kyoto dựa trên một sự phân biệt rõ ràng giữa các nước phát triển và đang phát triển và chỉ yêu cầu các nước phát triển hành động. Các quý vị có cho rằng sự thay đổi của nền kinh tế thế giới trong hai thập kỷ qua đã ngày càng làm lu mờ đi sự khác biệt này?

Connie Hedegaard.

Lấy Singapore và Hàn Quốc làm ví dụ đây là những nền kinh tế xuất khẩu mạnh với các ngành công nghiệp cạnh tranh cao và đạt được những thành tích cao về Chỉ số phát triển con người của LHQ. Tuy nhiên, trong Nghị định thư Kyoto, những nước này được tính là những nước đang phát triển. Hoặc lấy một nền kinh tế năng động đang nổi là Brazil. Nước này có nền công nghiệp đang nở rộ, tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và thu nhập tính theo đầu người cao hơn đáng kể so với các nước như Bulgaria hoặc Rumani.

Cách gây ô nhiễm cũng đang thách thức sự khác biệt giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển ở mức độ tương tự. Theo IEA mức tăng ô nhiễm CO2 ngày nay chủ yếu là từ các nền kinh tế đang nổi phụ thuộc lớn vào than. Và xu thế này chỉ có thể tăng.

Tới năm 2035, 90% lượng tăng nhu cầu về năng lượng sẽ đến từ những nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nếu lấy Trung Quốc làm ví dụ, phát thải liên quan tới năng lượng của nước này đã tăng 3 lần kể từ năm 1990, biến Trung quốc thành nước gây phát thải lớn nhất thế giới.

Tính trung bình, một người Trung quốc phát thải nhiều hơn một người Bồ Đào Nha, một người Thụy Điển hoặc một người Hungary. Do vậy thế giới không thể chống lại biến đổi khí hậu một cách có hiệu quả nếu không có sự cam kết của Trung Quốc và các nền kinh tế đang lên khác.

Một thách thức khác là Hoa Kỳ chưa tham gia vào Kyoto và sẽ không bao giờ tham gia trong khi Nhật Bản, Nga và Canada đã nói rõ rằng họ không có ý định tham gia vào cam kết giai đoạn hai.

Cần một lộ trình và khung hành động chung cho một hiệp ước khí hậu toàn cầu.

Nói tóm lại, điều này có nghĩa là nếu EU muốn tham gia vào giai đoạn hai của Kyoto với một số ít nước phát triển khác, thì chỉ có thể chiếm tối đa là 16% lượng phát thải toàn cầu. Trong khi đó Kyoto giai đoạn một bao gồm gần 1/3 phát thải của toàn thế giới. Làm sao có thể gọi đây là một thành công đối với khí hậu? Nói cách khác, chỉ một thước đo này không có cơ hội duy trì việc tăng nhiệt độ dưới 2 độ C (3,6 độ F) như cộng đồng quốc tế.

Để có cơ hội đạt được điều này, điều mà chúng ta cần là một khuôn khổ toàn cầu cho hành động của tất cả các nền kinh tế lớn đã phát triển và đang phát triển. Một khung hành động phản ánh trung thực thế giới của thế kỷ 21 trong đó tất cả các cam kết đều có sức nặng pháp lý như nhau.

Liên minh châu Âu bỏ ngỏ khả năng tham gia Kyoto giai đoạn hai với điều kiện là tính toàn vẹn môi trường của Kyoto được cải thiện và Durban thống nhất một lộ trình rõ ràng và mốc thời gian cho việc hoàn thiện khuôn khổ này trong vòng ít năm tới và áp dụng không muộn hơn năm 2020.

Tôi hy vọng rằng tất cả các nước sẽ chứng tỏ ý chí chính trị và vai trò lãnh đạo cần thiết để khởi động một tiến trình như vậy tại Durban. Tại Copenhagen, các nhà lãnh đạo đã cam kết giữ dưới mức 2 độ C. Bây giờ là thời điểm để họ chứng tỏ rằng họ nghiêm túc.

Connie Hedegaard
Cao Ủy châu Âu về Hành động vì Khí hậu