“Các trận động đất liên tiếp xảy ra đã gây tâm lý hoang mang cho người dân. Điều quan trọng bây giờ là tỉnh Quảng Nam hãy lên ngay phương án di dời dân chứ không nên chờ đợi số liệu an toàn từ đập thủy điện Sông Tranh 2”, PGS. TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu).
>>Hai ngày, 7 trận động đất tấn công Bắc Trà My
Bị ép, nhà khoa học sẽ phải nói dối...
PGS. TS Nguyễn Hồng Phương. |
+ Tôi khẳng định trận động đất đó chỉ mạnh 4,1 độ Richter. Kết quả này dựa vào số liệu hiển thị trên máy của Viện Vật lý Địa cầu, đã được tổ chuyên gia xem xét, xử lý.
Nhưng trong một ngày có tới 7 trận động đất liên tiếp là quá nguy hiểm, thưa ông?
+ Điều này đúng theo quy luật của động đất kích thích. Trước đây chúng tôi đã nhận định tại Bắc Trà My còn xảy ra nhiều trận động đất với cường độ khác nhau. Các trận động đất vừa qua có thể chỉ là tiền chấn, còn động đất đỉnh chưa đến. Tới một thời điểm, động đất sẽ giảm dần và tắt hẳn trong năm năm. Thực tế này đã được chứng minh. Chẳng hạn, thủy điện Hòa Bình khi tích nước cũng từng xảy ra động đất 4,8 độ Richter nhưng sau đó giảm dần.
Liệu động đất tại thủy điện Sông Tranh 2 có thể đạt đến mức cực đại 5,5 độ Richter (con số do các nhà khoa học đưa ra - PV) không?
+ Việc khẳng định có hay không có động đất trên 5,5 độ Richter là quá khó, bởi số liệu quan trắc hiện chỉ mang giá trị tương đối. Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện Vật lý Địa cầu năm 2003 thì 5,5 là mức cực đại tương ứng với chuỗi đứt gãy Trà Bồng chạy qua thân đập 2 km. Mức này khó có thể xảy ra tại Bắc Trà My.
Cũng xin nói thêm dư luận không nên gây áp lực quá lớn cho các nhà khoa học. Trong chừng mực nào đó, nếu bị ép quá thì họ phải “nói dối”, mà như thế là có tội lớn.
Cái đập là chuyện của EVN
Người dân cưa xẻ gỗ làm nhà tạm để ở. Ảnh: Pháp luật TP. |
Giả sử động đất tại Bắc Trà My đạt đến 5,5 độ Richter, chúng ta phải làm gì?
Ngay bây giờ, tỉnh Quảng Nam phải xây dựng kịch bản di dời dân. Khả năng kháng chấn của nhà dân chắc chắn không thể bằng thân đập. Nếu động đất mạnh tiếp tục xảy ra, thân đập có thể vẫn an toàn nhưng nhà dân sẽ sập hết. Do đó, lên phương án di dời dân để họ an tâm sinh sống là cách làm tốt nhất hiện nay. Chính quyền hãy lo cho cuộc sống của người dân trước đã. Còn chuyện đập thủy điện an toàn hay không là trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông khuyến cáo gì với người dân vùng động đất?
Sắp tới Viện Vật lý Địa cầu sẽ xuất bản sổ tay hướng dẫn người dân cách phòng tránh động đất, sóng thần, núi lửa,… Khi có động đất, mọi người hãy chui ngay xuống gầm bàn, giường để tránh vật cứng rơi trúng người, nếu động đất nhỏ có thể chạy ra ngoài. Người dân cũng nên làm quen với việc xây nhà kháng chấn, trong nhà tránh để các vật nặng trên cao. Chỗ ngủ nên chọn các vị trí an toàn, ít khả năng bị đè; chuẩn bị phao, lương thực, nước uống, đèn pin phòng khi xảy ra sự cố…
Xin cảm ơn ông!
Theo Pháp luật TP.