Những năm gần đây, hoạt động du lịch của nhiều hợp tác xã đã đem lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương, trở thành một nguồn sinh kế xóa đói, giảm nghèo tại những vùng nông thôn khó khăn, giúp cải thiện đời sống nông dân.
Từ hoạt động du lịch đã tạo động lực cho các ngành nghề, lĩnh vực, nhất là ở vùng nông thôn có thêm cơ hội để phát triển; ngược lại ngành kinh tế quan trọng này trở nên tự tin hơn để mở rộng cánh cửa đón du khách đến với từng cộng đồng, địa phương một cách bền vững và hiệu quả.
Mới đây, sự kiện ra mắt Hợp tác xã Du lịch Hạnh Phúc tại thôn Hạnh Phúc (xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) gây được sự chú ý bởi đây là HTX du lịch thứ 4 được ra mắt ở huyện Văn Yên. Sự ra đời của nhiều HTX du lịch chứng tỏ du lịch cộng đồng ở vùng nông thôn này đang phát triển và tạo sinh kế cho người nông dân.
Hợp tác xã Du lịch Hạnh Phúc có ngành nghề kinh doanh chính là phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Tày, Dao nơi đây với các dịch vụ du lịch sinh thái, homestay; du lịch trải nghiệm; thác nước Khe Chè, bể bơi; bắt ốc, cá suối, thu hoạch măng, rau dớn, hoa chuối, làm bánh Lẳng, bánh do, bánh gù cùng đồng bào…
Để đưa HTX đi vào hoạt động năm 2023, ngay từ năm 2022, UBND xã Tân Hợp đã quan tâm tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại một số điểm du lịch sinh thái, cộng đồng trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn HTX mở và chỉnh trang tuyến đường đi vào khu du lịch điểm sinh thái; xây dựng nhà sàn sinh hoạt cộng đồng phục vụ du khách; xây dựng bể nuôi cá tầm để phục vụ du khách tham quan và thưởng thức âm thực; cải tạo bãi tắm, lối lên thác; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về điểm du lịch…
Tương tự, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là đơn vị tiêu biểu trong phát triển kinh tế gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ đồng bào Êđê tại đây.
Mục tiêu "kép" được HTX xác định rõ ràng là lấy vốn văn hóa thổ cẩm để làm du lịch và ngược lại lấy lợi ích từ ngành “công nghiệp không khói” này để gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của mình. Đến nay, người làm nghề ở đây đã có hai nguồn thu nhập ổn định từ dệt thổ cẩm và làm du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng.
Nhờ mục tiêu này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX không còn bấp bênh như trước. Theo đó, từ hoạt động du lịch cũng đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở làng nghề này nhờ lượng du khách tìm đến đây đang trên đà tăng mạnh, bình quân từ 400 – 600 lượt người/tháng.
Rõ ràng, ngày càng có nhiều HTX kết hợp làm du lịch từ vốn văn hóa của cộng đồng, lợi thế đặc thù từ điều kiện tự nhiên cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên hiện nay, các HTX có nhu cầu hình thành dịch vụ du lịch cộng đồng, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, vừa làm vừa mày mò tìm hiểu vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến du lịch cộng đồng. Các sản phẩm nông nghiệp cũng như du lịch của HTX chưa đa dạng, chưa hấp dẫn và sức cạnh tranh chưa cao…
Theo các chuyên gia, mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng được đầu tư, khai thác, quản lý thông qua các HTX, tổ hợp tác phù hợp với năng lực của người dân nông thôn hơn và có tính lan tỏa cao hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch nông nghiệp được đánh giá là chưa đủ hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan. Điều này đến từ sự hạn chế về năng lực tiếp nhận khách tại điểm du lịch, cũng như đầu tư khu vực ăn uống, sinh hoạt.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần lựa chọn các hợp tác xã có tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái để hỗ trợ xây dựng thành các mô hình nhân rộng trên địa bàn.
Ngoài ra, cần có sự đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm và dịch vụ phù hợp và tăng cường hợp tác giữa các đơn vị liên quan sẽ giúp các HTX du lịch thu hút du khách và mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương.