- Trong môi trường kinh tế hiện nay, nếu phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp không dựa vào công nghệ thông tin (CNTT) thì những mục tiêu như hội nhập, tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ không thể nào thực hiện được.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin, diễn ra sáng nay (15/1) tại Hà Nội.

Theo Phó thủ tướng, nếu như trước đây quan niệm phổ biến là “phi thương bất phú”, thì ngày nay, để kinh doanh được, để làm ăn kinh tế được, bắt buộc phải ứng dụng CNTT, cả trong quản lý lẫn điều hành. Nói cách khác, chừng nào xã hội, doanh nghiệp, người dân còn chưa nhận thức được “phi tin bất phú”, chừng ấy những mục tiêu về phát triển CNTT với tư cách “hạ tầng của mọi hạ tầng” còn nằm ngoài tầm với.

Trong năm 2012, bất chấp môi trường kinh tế vĩ mô khó khăn, đầy thách thức song CNTT vẫn phát triển nhanh, ổn định. Tổng doanh thu ngành vẫn đạt trên 20 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2011 – một con số mà theo Phó Thủ tướng là hết sức ấn tượng trong điều kiện hiện tại.

Nhận thức còn “rất yếu”

“Kinh tế vĩ mô khó khăn cũng là một thử thách cho năng lực cạnh tranh của các ngành. Và CNTT đã cho thấy năng lực cạnh tranh rất tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, “chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn nữa”, và ứng dụng CNTT vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng khi mà nhận thức về CNTT của các ngành, các cấp, các địa phương vẫn còn “rất yếu”.

“Liệu CNTT đã mang đến giá trị gia tăng cho việc quản lý, điều hành hay chưa? Khi nào CNTT có thể giúp cho chúng ta tư duy, chừng đó mới gọi là phát huy được hết tiềm năng, tác dụng của nó. Còn hiện tại, ngay ở cấp độ giúp cho quản lý hiệu quả, chúng ta còn chưa làm tốt”, Phó Thủ tướng nêu thực tế.

Hiện cả nước đang có hơn 700.000 doanh nghiệp lớn nhỏ, nhưng có bao nhiêu trong số này đã áp dụng những công nghệ mới nhất của thế giới cả trong sản xuất, quản lý lẫn kinh doanh? Con số này chắc chắn chỉ mới “đếm được trên đầu ngón tay” và đó là một minh chứng sống động cho việc nhận thức của doanh nghiệp, của xã hội về vai trò của CNTT chưa đầy đủ.

Việc tụt hậu về công nghệ là một mối đe dọa lớn, hiện hữu, chứ không chỉ dừng lại ở nguy cơ như trước đây nhiều người vẫn tưởng nữa. “Sức ép cạnh tranh quốc tế đang ngày càng lớn. Nếu như chúng ta không có biện pháp đặc biệt thì không thể cạnh tranh được. Chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa là phải làm thuê, mua dịch vụ của nước ngoài ngay trên đất nước mình”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

Việt Nam là một quốc gia đông dân nhưng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. “Chúng ta cần xác định rõ nguồn lực lớn nhất là con người, phải tập trung phát triển con người nếu không chúng ta sẽ thất bại”, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Nguồn nhân lực CNTT xây dựng trong thời gian tới cần đạt chuẩn quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở tầm quốc gia nữa. Yêu cầu này sẽ đòi hỏi một bộ quy chuẩn, chương trình đào tạo mới, cũng như việc đào tạo nghề cần phải sớm đưa vào các trường học phổ thông.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tập trung xây dựng các doanh nghiệp CNTT chủ lực tầm quốc tế, xây dựng các khu Công nghiệp CNTT trọng điểm, thu hút được những doanh nghiệp hàng đầu thế giới từ Mỹ, Nhật… hoạt động.

Đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, Phó Thủ tướng khẳng định cần đẩy mạnh hơn nữa ở cả trung ương lẫn địa phương, tránh tình trạng chỉ làm “theo phong trào, theo mốt” hiện nay bởi nhiều nơi vẫn chưa nhận thức được CPĐT có thể thực sự giúp ích như thế nào.

Huy động nguồn lực toàn xã hội

Một vấn đề quan trọng được đề cập xuyên suốt trong Hội nghị sáng nay chính là nguồn lực đầu tư cho CNTT. Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng khẳng định cần huy động được các nguồn lực từ cả Nhà nước lẫn xã hội, bởi tư duy dựa vào đầu tư Nhà nước là chính phổ biến lâu nay tỏ ra không phù hợp với lĩnh vực CNTT. “CNTT cần phát triển mạnh mẽ để tự nó có thể thu hút nguồn lực xã hội, miễn là Nhà nước có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho nó”.

Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lại cho rằng, CNTT là hạ tầng “duy nhất” hiện nay không có mục chi riêng trong dự thảo ngân sách hàng năm. “Đây là một nghịch lý đã diễn ra trong nhiều năm nhưng không được để ý đến, như thể chúng ta đã “quen với nó”.

Ông Hà cho rằng, để giải quyết vấn đề nguồn lực về vốn cho CNTT, dòng tiền cần được huy động từ cả ba nguồn là ngân sách Trung ương, mà cụ thể là hàng năm cần có mục chi riêng cho CNTT, từ Ngân sách Bộ Thông tin & Truyền thông (ông Hà đề xuất trích một phần từ quỹ Viễn thông công ích, với lập luận tiền do các Tập đoàn viễn thông nộp vào ngân sách cần được quay lại đầu tư cho xã hội thì mới “hợp lý) và từ ngân sách của các địa phương.

Mặc dù vậy, trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại, việc huy động ngân sách Trung ương là khá khó khăn, như ý kiến của ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu Hạ tầng & Đô thị (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã chỉ ra. Ông Lân cho biết đầu tư công đang bị giảm và cơ cấu lại nên ngân sách rót thực tế so với mong muốn là “rất khiêm tốn”. Để dẫn chứng, ông Lân cho biết Quyết định 1605 về Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước xác định cần ngân sách 1700 tỷ, nhưng năm 2011, tiền từ Trung ương chỉ rót về được 120 tỷ, năm 2012 là 100 tỷ và năm 2013 khoảng 70 tỷ.

Một lối thoát khác cho nguồn vốn là các dự án công tư hợp tác (PPP) thì sau 2 năm triển khai thí điểm đã cho thấy cơ chế chưa cởi mở, lợi ích chưa thực sự thỏa đáng nên tư nhân chưa thực sự hào hứng. Ông Lân kiến nghị Bộ TT&TT cần đề xuất các cơ chế hợp tác PPP hợp lý, đặc thù cho ngành CNTT để thu hút nguồn vốn xã hội hiệu quả hơn.

Đẩy mạnh “Người Việt dùng hàng Việt”


Bên cạnh việc xây dựng, tìm kiếm nguồn lực cho phát triển CNTT, thì một nhiệm vụ trọng tâm nữa của ngành, theo Phó Thủ tướng, là phải chú ý mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh chiến dịch “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Nếu sản phẩm trong nước rẻ, chất lượng cũng tốt bằng sản phẩm quốc tế thì đương nhiên người dùng sẽ mua ngay. Thế nhưng cần đặt vấn đề rằng, kể cả khi sản phẩm chưa tốt bằng nhưng nghĩ đến tiềm năng quốc gia, nghĩ đến việc doanh nghiệp trong nước cần có sự ủng hộ từ người dùng để tạo ra những sản phẩm tốt hơn trong tương lai, thì vẫn chấp nhận, vẫn ủng hộ “Hàng Việt”. “Đó mới là một nhận thức quan trọng, nếu không chúng ta sẽ không có cách nào thúc đẩy được ngành CNTT trong nước”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, họ cũng cần phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, cải thiện khâu hậu mãi để thu hút người dùng. Hơn nữa, doanh nghiệp trong nước cũng có lợi thế hơn về việc am hiểu văn hóa tiêu dùng so với các DN quốc tế. 

“Cuộc vận động này đòi hỏi cả hai phía đều phải nỗ lực xích lại gần nhau, giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng cần có sự chia sẻ. Sở dĩ thời gian qua, CNTT trong nước phát triển hạn chế cũng là vì nhận thức này. Nếu người dùng trong nước cũng quay lưng với hàng Việt thì chúng ta sẽ không bao giờ tạo được môi trường cho CNTT trong nước phát triển”, Phó Thủ tướng kết luận.

  • Trọng Cầm