- 2013 là một năm bùng nổ của thị trường OTT (các ứng dụng nhắn tin gọi điện miễn phí qua Internet di động) tại Việt Nam với hàng chục triệu người đăng ký sử dụng. Tính tới thời điểm cuối năm, Viber đang là ứng dụng dẫn đầu với 8 triệu người dùng, Zalo của Việt Nam bám sát với hơn 7 triệu thành viên. Ứng dụng Line đến từ Nhật Bản đứng ở vị trí số 3 với 4 triệu người dùng. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt cái tên khác như WhatsApp, KaKaoTalk, WeTalk...


{keywords}

Chiến sự dịu dần?

Trong số 3 nhà mạng lớn trong nước thì Viettel có lẽ là mạng phản ứng sớm nhất và mạnh nhất với các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí. Ngay từ Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2012 của Bộ Thông tin & Truyền thông, nhà mạng này đã kiến nghị cơ quan quản lý cấm cửa các ứng dụng OTT vì nhiều lý do như làm xói mòn doanh thu của các công ty viễn thông, đe dọa an ninh thông tin quốc gia.

Sau Viettel, đến lượt MobiFone và VinaPhone cũng lần lượt lên tiếng than thở về việc người dùng chuyển sang nhắn tin, gọi điện bằng các ứng dụng OTT để tiết kiệm chi phí. Đại diện MobiFone tố rằng, các ứng dụng OTT đã làm cho nhà mạng thế giới thất thu hơn 13 tỷ USD/năm, tương đương 9-10% doanh thu. Một thống kê của riêng mạng này cho thấy, người dùng Viber Việt đã gọi khoảng 280.000 cuộc và nhắn 8,7 triệu tin nhắn/ngày. Nhân lên với 365 ngày, số tiền mà nhà mạng tổn thất có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Không có gì khó hiểu khi các nhà mạng đồng thanh kiến nghị cơ quan quản lý, mà trực tiếp ở đây là Cục Viễn thông và Bộ TT&TT có những biện pháp hạn chế, kiềm tỏa dịch vụ OTT, thậm chí là cấm hẳn như trường hợp của một số quốc gia Trung Đông đã làm. Tuy nhiên, tình hình chiến sự có vẻ như đã dịu đi phần nào trong những tháng cuối năm, khi mà tín hiệu từ phía Bộ TT&TT phát đi rất rõ ràng: Sẽ không cấm các ứng dụng OTT hoạt động, miễn là các doanh nghiệp này kinh doanh một cách "có trách nhiệm" với nhà mạng.

Câu chuyện OTT cũng đủ nóng tới mức xuất hiện trong cả bài phát biểu tại Hội nghị Triển khai Hoạt động 2014 của Bộ TT&TT sáng 26/12 của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Phó Thủ tướng chia sẻ rằng, sau số hóa và mở cửa thị trường viễn thông là hai cột mốc đáng nhớ của ngành bưu điện - công nghệ trong nước, thì xu thế chủ đạo hiện nay chính là thông tin ngày càng hướng tới cá nhân, mang tính cá nhân hóa. Các trang blog, mạng xã hội đặc biệt phát triển. Các phương thức giao tiếp mang tính cá nhân cũng nở rộ và rất nhiều doanh nghiệp tham gia cuộc chơi OTT. Dù không chỉ đạo trực tiếp về hướng quản lý đối với các dịch vụ kiểu này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng các nhà mạng, nhà cung cấp cần bắt tay với nhau, "làm sao để tận dụng công nghệ, tạo ra sức bật mới cho thị trường".

{keywords}
Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng kinh doanh tập đoàn Viettel tại buổi giao lưu trực tuyến về tăng cước 3G tại Bộ TT&TT hôm 17/10 vừa qua.

Chia sẻ với VietNamNet bên lề Hội nghị này, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng kinh doanh tập đoàn Viettel khẳng định, bản thân các nhà mạng cũng đang tìm kiếm những phương thức để có thể chung sống hòa bình với dịch vụ OTT. Tại Việt Nam, các ứng dụng OTT không hề bị chặn đường truyền hay khó truy cập mà người dùng có thể sử dụng thoải mái, tùy ý. Đây là một điểm mà theo ông Dũng, không phải nước nào cũng làm được. Việc nhà mạng và doanh nghiệp OTT hợp tác với nhau không nhất thiết là phải có những hình thái cụ thể như gói cước OTT chuyên dụng hay cùng hùn vốn quảng cáo cho một ứng dụng nào đó. Trên thực tế, hai bên vẫn đang liên tục gặp gỡ nhau để bàn thảo về hình thức hợp tác mới, nếu có.

Nhà mạng quá lo xa?

Một chuyên gia am hiểu thị trường di động VN cho rằng, các nhà mạng không nên "lấy cứng chọi cứng", chỉ trích, phản ứng dữ dội với các ứng dụng nhắn tin, miễn phí tại thời điểm này vì hoàn toàn có thể gây tác dụng ngược. Thay vào đó, họ nên đánh vào những điểm yếu nhất của ứng dụng OTT để giữ chân người dùng. Đơn cử như các cuộc gọi qua OTT tuy rẻ thật, miễn phí thật nhưng chất lượng phập phù, không thể so được với các cuộc gọi thông thường. Nhắn tin OTT tuy không mất tiền nhưng đòi hỏi điện thoại phải bật 3G liên tục, pin bị đốt cạn nhanh chóng, buộc người dùng phải cắm sạc liên tục rất bất tiện.... "Nếu nhà mạng nâng cao chất lượng mạng lưới, dịch vụ thì có thể thuyết phục người dùng không lựa chọn OTT nữa", vị chuyên gia này phân tích.

{keywords}

Bản thân ông Dũng cũng nhận định rằng, doanh thu từ SMS đang bị các ứng dụng OTT ảnh hưởng nhiều nhất nhưng ngoài tin nhắn thì nhà mạng vẫn có thể trông chờ vào các ứng dụng khác trên nền tảng 3G. "Không ai vào 3G chỉ để nhắn tin mà họ còn phải lướt web, truy cập Facebook hay duyệt mail. Nếu ai cũng chỉ vào để nhắn tin thì nhà mạng "đứt", ông Dũng nhấn mạnh. Nói cách khác, nếu nhà mạng có thể tăng được doanh thu từ các dịch vụ data thì sẽ "gỡ gạc" được phần nào tổn thất do OTT gây ra.

Tuy nhiên, lập luận về chuyện tổn thất của nhà mạng không được các doanh nghiệp OTT đồng tình. Ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG từng thẳng thắn tuyên bố "Đừng nhìn nhà mạng mất bao nhiêu tiền vì OTT". Theo phân tích của ông Minh thì các doanh nghiệp OTT, trong đó có VNG, đã phải đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng các dịch vụ trên di động như nhắn tin, nghe nhạc, xem truyền hình... mà vẫn chưa thu về được đồng nào. "Giữa một bên (nhà mạng) đã có tiền mà mất, còn một bên (doanh nghiệp OTT) tự bỏ tiền túi ra, thì bên nào... thiệt hơn?". Nói cách khác, nhà mạng không nên so sánh mà nên nhìn rộng hơn, để thấy mọi người cùng đầu tư, cùng tăng tỷ lệ sử dụng 3G thì các bên đều có lợi.

Kỳ II: "Không cấm OTT, nhưng phải có trách nhiệm!"

  • Trọng Cầm