Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính. Nhưng thực trạng bức tranh tiếp cận dịch vụ tài chính số cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện, đặc biệt là với nhóm thu nhập thấp.

Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển.

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia xác định đối tượng là tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh; hướng tới mục tiêu “Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.

ngan hang nam khanh 13.jpg

Chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp. Song mức độ cải thiện cũng như khoảng cách của nhóm thu nhập thấp nhất với các nhóm thu nhập cao hơn vẫn còn rất lớn.

Tại tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam” tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) chỉ ra rằng, về sở hữu tài khoản, trong năm 2022, tỷ trọng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng chỉ đạt 25,1% ở nhóm có mức thu nhập thấp nhất, cách xa đáng kể so với tỷ lệ của nhóm thu nhập cao nhất là 67,9%. Nhóm có thu nhập thấp nhất cũng có mức độ cải thiện thấp nhất về sở hữu tài khoản (chỉ tăng 6% sau 5 năm) trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có sự cải thiện vượt trội.

Về hoạt động gửi tiết kiệm, nhóm thu nhập thấp nhất rất ít gửi tiết kiệm tại các tổ chức tài chính và mobile money; mức độ cải thiện của tình trạng này hầu như không đáng kể theo thời gian. Tỷ trọng tương ứng chỉ là 5,8% vào năm 2022, tăng rất nhẹ so với mức 5,6% năm 2017.

Về hoạt động thanh toán, khi thanh toán các hóa đơn, tỷ trọng người thu nhập thấp thanh toán từ tài khoản chỉ là 2,9%, trong khi thanh toán tiền mặt là 51,2%. Như vậy, nhóm thu nhập thấp nhất vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt để thanh toán cho các giao dịch hàng ngày và họ cũng ít thực hiện các giao dịch thanh toán qua kênh kỹ thuật số hơn so với các nhóm thu nhập cao hơn.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân của sự cải thiện chậm chạp trong tiếp cận dịch vụ tài chính ở nhóm có thu nhập thấp.

Cụ thể, với tiêu chí thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, kênh tài chính hiện đại dường như chưa đáp ứng được. Với nhóm thu nhập thấp nhất, năm 2017 có 2 lý do chính ngăn cản họ có tài khoản ngân hàng, đó là thiếu tiền (58,4%) và tổ chức tài chính quá xa (14,8%). Tới năm 2022, tỷ trọng “thiếu tiền” giảm xuống 32,5% nhờ thu nhập được cải thiện, trong khi trở ngại tăng lên ở lý do tổ chức tài chính quá xa (23,1%). Việc “thiếu các giấy tờ cần thiết” cũng là lý do khiến nhóm thu nhập thấp nhất không mở tài khoản, với tỷ trọng 13,1% vào năm 2022, cao hơn so với mức trung bình là 8,9%.

“Từ kết quả thực hiện Chiến lược và bối cảnh hiện nay, cần phải nhìn nhận sâu sắc hơn về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với nhóm đối tượng là người thu nhập thấp. Nhóm đối tượng này rất dễ bị tổn thương trong cuộc sống và một trong những cách bảo vệ đối tượng này là giúp họ có khả năng tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức và ngăn họ tiếp cận với tín dụng đen”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện IDS, nhấn mạnh.