Phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, lượng rau củ quả nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển tăng đột biến từ 30-50%. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ mặt hàng này đang khiến cả người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng “đau đầu”.
Cửa khẩu, chợ đầu mối "tăng nhiệt"
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bộ NN-PTNT, lượng rau củ quả nhập về các cửa khẩu, cảng biển tăng khoảng 30-50% trong hai tháng cuối năm.
Những tháng giáp Tết, hoạt động xuất nhập khẩu trái cây tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trở nên sôi động. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, lượng trái cây, củ quả từ Trung Quốc đổ về cửa khẩu này đang tăng mạnh. Thời điểm này đang là mùa vụ trái cây của Trung Quốc nên mặt hàng phong phú cả về số lượng lẫn chủng loại. Ước tính, mỗi ngày có khoảng 300 tấn nông sản được nhập khẩu, trong đó, hoa quả chiếm đa số và tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng chính là lê, táo, quýt.
Lượng rau củ nhập khẩu tăng cũng khiến các chợ đầu mối “tăng nhiệt”. Bà Nguyễn Thị Ánh Thịnh - Phó ban quản lý (BQL) chợ Long Biên cho hay, mỗi ngày có khoảng 300 - 400 tấn hàng hóa lưu thông tại chợ. Trong đó, hàng Trung Quốc chiếm khoảng 150 tấn, tức gần 50%. Dự báo những ngày cuối năm, từ khoảng 20 - 25/12 âm lịch, lượng hàng sẽ tăng lên gấp rưỡi, từ 500 - 600 tấn/ngày.
Trái cây Trung Quốc tràn ngập các chợ ở Hà Nội |
Lo ngay ngáy
Chợ Long Biên hiện có hơn 1.000 hộ kinh doanh, tuy nhiên, theo bà Thịnh, tới thời điểm đầu tháng 12/2013, mới chỉ có khoảng 100 hộ kinh doanh có giấy chứng nhận tập huấn về an toàn thực phẩm. Trung tuần tháng 12, BQL chợ sẽ phối hợp cùng đơn vị chức năng để tập huấn thêm cho 400 hộ. Điều đáng nói, đây gần như là biện pháp duy nhất mà BQL chợ đưa ra để tăng cường công tác kiểm soát rau củ quả trong dịp Tết Nguyên đán. Với hàng hóa vào chợ, ngoài các giấy tờ nhập khẩu thì BQL chỉ có thể kiểm nghiệm bằng... cảm quan.
“Theo tôi, việc quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu phải làm từ gốc, không để hàng hóa mất an toàn lọt vào Việt Nam. Một khi đã vào nội địa, nếu chúng tôi cấm không cho xe vào chợ thì hàng hóa vẫn sẽ lưu thông… ngoài đường. Như thế càng khó kiểm soát và xử lý vi phạm”, bà Thịnh nói.
Bà Hà cho biết, hầu hết mặt hàng hoa quả vận chuyển vào Việt Nam đều không đi qua đường tiểu ngạch như một số mặt hàng có nguồn gốc từ động vật như gia cầm, nội tạng, thủy sản… mà thông qua cửa khẩu. Tân Thanh là cửa khẩu có lưu lượng nông sản lớn nhất cả nước. Do đó, trong những tháng giáp Tết, cơ quan kiểm dịch phải tăng cường nguồn lực, tần suất kiểm tra để có thể phát hiện, ngăn chặn rau củ quả nhiễm độc vào Việt Nam.
Theo Thông tư số 13 năm 2011 của Bộ NN-PTNT về kiểm soát nông sản nhập khẩu, lực lượng kiểm dịch sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm 10%, với những mặt hàng có nguy cơ cao sẽ tăng tần suất kiểm tra lên 30% và nếu phát hiện tới lần thứ ba vi phạm sẽ yêu cầu dừng nhập khẩu. Phương pháp kiểm tra là sử dụng các bộ kít thử nhanh để kiểm tra tại chỗ. Hiện, Trạm BVTV Tân Thanh đã đặt hơn 50 bộ kít thử. Tuy nhiên, theo bà Hà, bộ kít thử nhanh chỉ có thể kiểm tra được tối đa khoảng 30% hoạt chất trong thuốc BVTV, nên Chi cục vẫn phải gửi mẫu về Hà Nội để xét nghiệm lại. Công đoạn này thường mất từ 7-10 ngày nên gây khó khăn cho cả đơn vị kiểm dịch và đơn vị kinh doanh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng sẽ không còn kịp thời, nhanh nhạy.
Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, từ ngày 30/10 - 5/12, Việt Nam nhập khẩu khoảng hơn 689.000 tấn hàng hóa với hơn 90 mặt hàng có nguồn gốc thực vật. Kiểm tra 96 mẫu rau, quả, cơ quan chức năng phát hiện có tám mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV cho phép. Ngoài củ cải trắng và cà rốt, quýt là mặt hàng có nguy cơ cao nhất với năm mẫu vi phạm. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, số lượng mẫu không an toàn chiếm tới 8,3%, đây là con số tương đối cao và cần phải cảnh báo khi lượng rau củ quả còn tăng mạnh vào tháng giáp Tết. Trước đó, trong tháng 10, Cục BVTV cũng phát hiện mẫu hồng, táo nhiễm thuốc BVTV vượt quy.
(Theo PNO)