Không chỉ vậy, có không ít người khi được nhờ đứng tên mua hàng trả góp cũng gặp nhiều rắc rối, thậm chí trở thành con nợ.

Cẩn trọng “sập bẫy” mua hàng trả góp - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên tại TP.Cần Thơ đang bị “gánh” nợ do đứng tên, ký hồ sơ mua hàng trả góp. Ảnh: CACC

Bỗng dưng mắc nợ 

Anh Trần Lý (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang rất bức xúc trên các diễn đàn mạng xã hội khi gặp phải nhiều vấn đề vướng mắc sau khi mua trả góp chiếc điện thoại với lãi suất 0%.

Theo anh Trần Lý, khi làm thủ tục mua trả góp, mặc dù đã trả tiền xong trước hạn 3 tháng, thế nhưng một thời gian sau anh vẫn phải đối mặt với hàng loạt các chi phí “khủng” khác đằng sau đó.

Anh Trần Lý chia sẻ: “Dù đã trả hết các khoản phí trước thời hạn nhưng một thời gian sau nhân viên của cửa hàng có gọi điện, yêu cầu tôi phải đóng thêm tiền hỗ trợ dịch COVID-19. Khi mua sản phẩm, tôi đã thanh toán trước 50% giá trị sản phẩm thế nhưng thủ tục rất rắc rối, khoản còn lại sẽ được trả góp lần lượt trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm. Đặc biệt, trong quá trình trả góp hằng tháng, nếu trả chậm ngày sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng”.

Được nhờ đứng tên mua trả góp chiếc laptop với lãi suất 0%, tài khoản facebook có tên Trần Trung cho rằng, ban đầu anh cũng nghĩ đơn giản chỉ cần đứng tên sẽ nhận được tiền hoa hồng, còn lại toàn bộ thủ tục, giấy tờ thì người mua thật sẽ phải lo liệu. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, anh bất ngờ nhận được các cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ của ngân hàng thì mới tá hoả phát hiện mình bị lừa.

“Thời gian gần đây tôi có đọc trên mạng thấy nhiều nơi đang đăng tin tuyển cộng tác viên chạy doanh số. Theo đó, công việc này rất đơn giản, chỉ cần đứng tên người mua hàng sẽ được nhận tiền hoa hồng với giá trị khoảng 10 - 15% sản phẩm. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi đã nhận được hàng loạt các cuộc gọi từ công ty tài chính nói rằng tôi trễ hẹn thanh toán, tổng cộng số tiền phải đóng là 28 triệu đồng” - chị Trần Thị Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ trên diễn đàn.

Dễ vướng “bẫy”

Mới đây, Công an quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đã tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo phản ánh, từ năm 2020 đến nay, có hàng trăm sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP.Cần Thơ đã nợ tiền từ 10 - 60 triệu đồng/người, bị dụ dỗ đứng tên hồ sơ vay mua hàng trả góp điện thoại di động, laptop với thủ tục đơn giản.

Cụ thể, các sinh viên tố từ năm 2020, có một người tên Trương Quang Anh Đức (22 tuổi, ngụ quận Cái Răng) đã chủ động đến tìm và giới thiệu bản thân đang chạy doanh số cho cửa hàng.

Đức nói do đang thiếu doanh số nên đề nghị các sinh viên giả làm khách hàng đăng ký mua sản phẩm của cửa hàng cho Đức đủ chỉ tiêu. Mỗi hồ sơ các sinh viên được nhận 400.000 đồng và hồ sơ trả góp được duyệt sẽ được hệ thống hủy sau 2 ngày.

Nhận được thông tin, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công an TP.Cần Thơ cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an quận Ninh Kiều xác minh.

Tuy nhiên, đối tượng Đức đã bỏ trốn khỏi địa phương nên công an vận động gia đình kêu gọi Đức ra đầu thú.

Bước đầu Đức thừa nhận đã lừa đảo hàng trăm sinh viên trên địa bàn TP.Cần Thơ với số tiền khoảng 4 tỉ đồng.

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Nguyễn Đức Toàn - Giám đốc Công ty Luật Vimax Châu Á - cho biết, hiện nay, nhiều người dân khi mua hàng trả góp do không đọc kỹ các ràng buộc pháp lý theo hợp đồng ký kết nên phải chịu rủi ro, gánh hậu quả lớn.

“Người mua theo hình thức trả góp nên kiểm tra kỹ thông tin, nghĩa vụ của mình xem có bị ràng buộc bởi bên thứ ba hay không để tránh tình trạng các tổ chức, công ty bán hàng trả góp hoạt động trá hình dưới hình thức đa cấp lợi dụng lòng tin để trục lợi” - Luật sư Nguyễn Đức Toàn chia sẻ thêm.

(Theo Lao Động)

Cẩn trọng khi mua hàng trả gópBên cạnh các khoản vay tiêu dùng, trong những năm gần đây, mua hàng trả góp được xem là phương thức kích cầu khá phổ biến trên thị trường… trong đó có hình thức trả góp với lãi suất 0%.