Việc ‘bổ sung’ văn bản luật do cuộc sống đòi hỏi khác xa hoàn toàn với việc phải ‘làm lại’, ‘sửa chữa’ những điều không đáng sai.

Một trong những bộ luật quan trọng  sắp được QH thảo luận tại hội trường tuần này là Bộ Luật Dân sự sửa đổi. Tuy nhiên, phát biểu tại thảo luận tổ cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ‘tâm tư’ rằng: không thể tiếp tục mãi câu chuyện buồn là một bộ luật lớn như Luật Dân sự mà cứ 10 năm lại thay đổi một lần và, dân sự càng nhiều luật, càng bó tự do (VietNamNet, 13/11)...

 Nếu tính đến năm 2015 thì, có lẽ, nước ta lập ‘kỷ lục’ thế giới vì liên tiếp trong ba thập niên, cứ 10 năm lại sửa Luật Dân sự một lần (1995, 2005, 2015). Cách làm đó quả là lạ. Câu hỏi đặt ra: Tại sao chuyện đó không xảy ra ở nhiều nước khác và, việc sửa đi sửa lại nhiều như thế có thể làm cho người dân hiểu nhầm không?     

Những cái sai không đáng xảy ra…

Trước hết, phải xác định dứt khoát rằng ‘tuổi thọ’ của một bộ luật tùy thuộc hoàn toàn vào tài năng, sự cẩn trọng, tầm nhìn xa của các nhà lập pháp. Đừng đổ lỗi rằng do cuộc sống thay đổi quá nhanh, thường xuyên “đẻ’ ra các tình tiết, quan hệ mới, buộc luật pháp phải theo. Thực tế đó là điều hiển nhiên, chẳng hạn, cách đây 20 năm không có khái niệm về bí mật cá nhân, quyền riêng tư trong thư điện tử. Thế nhưng, việc ‘bổ sung’ văn bản luật do cuộc sống đòi hỏi khác xa hoàn toàn với việc phải ‘làm lại’, ‘sửa chữa’ những điều không đáng sai.

{keywords}

Có một câu chuyện xảy cách đây 227 năm – năm 1787. Khi đó, 55 nhà lập pháp (phần lớn là trẻ tuổi) của một nhà nước đang hình thành- Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ- họp để bàn xem nên soạn thảo Hiến pháp như thế nào, A.Hamilton đã phát biểu rằng: Chúng ta có mặt ở đây để xây dựng một nền tảng pháp lý (tức Hiến pháp) cho một quốc gia và chúng ta muốn nền tảng đó tồn tại qua mọi thời đại. Vậy thì, chúng ta phải dự liệu những thay đổi mà các thời đại đó sẽ tạo ra cũng như phải xác định được những điều không bao giờ thay đổi.

Nhưng dường như, nguyên tắc kinh điển đó ít khi được các nhà làm luật nước ta coi trọng. Chẳng hạn, độ tuổi bắt đầu hiểu biết - vị thành niên - trưởng thành của một đời người hầu như ít khi thay đổi (các nước xác lập tiêu chí “trưởng thành đầy đủ” trong khoảng từ 18-21 tuổi).

Thế nhưng, nếu giở mấy trang đầu tiên của Luật Dân sự hiện hành, sẽ thấy ngay sự mâu thuẫn khó giải thích.

Chẳng hạn, Điều 21 khẳng định trẻ đủ 06 tuổi là có “hành vi năng lực dân sự”; thế nhưng trong toàn bộ Luật Dân sự, không hề trao cho trẻ từ 06 đến trước 09 tuổi bất kỳ quyền gì. Phải chăng áp đặt 06 tuổi là căn cứ cảm tính theo tuổi bắt đầu đi học? Điều 20 cho rằng người chưa thành niên khi giao dịch dân sự “phải được người đại diện đồng ý”; thế nhưng, tại Điều 27 lại quy định rằng: “Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 09 tuổi trở lên phải hỏi ý kiến người đó”(?)

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để phân biệt quyền của người đại diện và người chưa thành niên khi cứ phải hỏi ý kiến lẫn nhau?

Công việc lập pháp đòi hỏi tính chặt chẽ của ngôn từ, không cho phép bất kỳ một sự mơ hồ nào trong cách thể hiện của ngôn ngữ. Thế nhưng, Luật Dân sự có không ít những sai sót trong chuyện này. Ví dụ, Điều 175 định nghĩa “Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại”(?) Chẳng lẽ tài sản nào cũng có khả năng sản sinh ra hoa lợi? Hoặc tại Điều 188, Luật Dân sự quy định về “Quyền chiếm hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước” mà không hề nhắc đến các thứ không phải là gia súc, gia cầm. Chẳng hạn nuôi gấu lấy mật thì áp dụng vào điều luật nào?...

Có phải “Dân sự càng nhiều luật thì càng bó tự do”?

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, “dân sự càng nhiều luật, càng bó tự do”(?) Đây là vấn đề cần phải tranh cãi bởi vì thực tiễn cho thấy, càng có nhiều quy định cụ thể phù hợp với nguyên tắc của luật pháp càng tốt. Nó sẽ loại trừ các yếu tố mơ hồ, loại trừ những điều luật đa nghĩa mà quan tòa muốn suy biện thế nào cũng được. Nhất là, ở các lĩnh vực “cấm – không cấm” được diễn đạt đầy đủ, chi tiết thì người dân (thuộc tầng lớp không có điều kiện học hành) mới biết rõ để mà chấp hành, tránh được những vi phạm không đáng xảy ra.

Chẳng hạn, sự kiện một cô giáo phải tự tử vì sự lộng hành, lạm quyền của hiệu trưởng (VietNamNet, 28/10) là một bằng chứng nhãn tiền: Không có bất kỳ một điều luật quy trách nhiệm hay có một chế tài nghiêm khắc nào đối với cấp trên khi cấp trên hành hạ cấp dưới. Cần nhấn mạnh rằng đây không hề là trường hợp đơn lẻ - ít nhất, theo hiểu biết của người này.

Là một người có hàng ngàn cựu SV làm giáo viên các cấp, tôi đã nghe nhiều lần về các ‘lãnh chúa’ ở các trường tiểu học và THCS chính là các vị hiệu trưởng. Tuyệt đại đa số giáo viên không dám phản đối những sai trái bởi họ sợ rằng nặng thì chuyển đến nơi xa, nhẹ thì bị trù dập. Nhẹ nhất – riêng cái chuyện khi con nhỏ, bố trí dạy tiết 01 rồi bắt ngồi chờ đến tiết 5 đã là hình phạt “hợp pháp” mà thâm thúy vô cùng…

Chính vì nguyên tắc cần phải cụ thể hóa các quan hệ dân sự nên đòi hỏi cái nhìn tổng thể về các quan hệ dân sự vừa … tổng thể, lại vừa phải cụ thể là vậy.

Những tắc trách đó gây phiền hà cho người dân và mọi cơ quan tố tụng. Tác hại nhãn tiền là xã hội thiếu ổn định, mặc dù, ai cũng biết, Luật Dân sự không phải là bộ luật khó nhất.

Hà Văn Thịnh