Quyết định của Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi cho phép ông có thêm nhiều quyền mới thực sự là một canh bạc chính trị đang đẩy đất nước này vào sự chia rẽ nghiêm trọng.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Tổng thống Mohammed Mursi khẳng định ông ra sắc lệnh là để bảo vệ cách mạng.

Sắc lệnh mới được Mursi đưa ra một ngày sau lệnh ngừng bắn ở Gaza, thỏa thuận mà chính ông đã đứng ra dàn xếp và nhận được nhiều ngợi khen từ cộng đồng quốc tế. Phấn chấn trước thành công đó, Tổng thống Ai Cập đã quyết tâm củng cố quyền lực của mình ở trong nước.

Nhưng có thể ông đã quá tự tin, hoặc quá ngờ nghệch về chính trị.

Tổng thống Ai Cập khẳng định ông đang hành động để bảo vệ cách mạng. Cụ thể, ông muốn ngăn các tòa án giải thể Hội đồng Lập hiến, cơ quan đang soạn thảo hiến pháp cho Ai Cập.

Đã có nhiều thông tin rằng các tòa án có thể sắp làm điều đó. Nếu vậy thì việc giải thể sẽ làm trệch hướng nghiêm trọng tiến trình chuyển sang dân chủ của đất nước, làm trì hoãn lâu thêm nữa các cuộc bầu cử quốc hội mới, từ đó cản trở giới lãnh đạo chính trị Ai Cập ra các quyết định cứng rắn trong khi họ chờ đợi bầu cử.

Hầu hết các thẩm phán cấp cao đều được bổ nhiệm trong thời gian Hosni Mubarak còn làm Tổng thống. Đó không phải là những bổ nhiệm chính trị trực tiếp, song không ít người Ai Cập nghi ngờ họ vẫn trung thành với chế độ cũ.

Cả công tố viên trưởng cũng được chỉ định, và ông này đã bị Tổng thống Mursi sa thải.

Ngay khi lên nắm quyền, Mursi đã nhanh chóng mở lại các cuộc điều tra nhằm vào vị cựu Tổng thống, gia đình ông và các quan chức chế độ cũ. Một loạt phiên tòa xét xử các tội tham nhũng, giết chóc người biểu tình trong thời kỳ cách mạng, đến nay mới cho các kết quả hỗn độn, làm dấy lên các câu hỏi về sự trung thành của vị công tố viên trưởng, mặc dù bản thân Hosni Mubarak đang bị giam giữ.

Về cả hai vấn đề này, Tổng thống Mursi sẽ phải nhận được sự ủng hộ của nhiều người Ai Cập. Nhưng chính cách thức ông hành động lại làm dấy lên những lo ngại như vậy.

Ông đã không tham vấn với các lực lượng chính trị khác, hành động một cách độc đoán khiến người ta liên tưởng đến người tiền nhiệm của ông.

Thực vậy, Tổng thống đã có nhiều quyền hơn so với Hosni Mubarak, gần như không có sự kiềm chế nào. Và nỗ lực của ông nhằm gạt tòa án ra ngoài lề cũng khiến người ta nhớ đến thời kỳ mới nắm quyền của Các sĩ quan Tự do hồi năm 1954, bắt đầu những gì đang được coi là 6 thập niên dưới chế độ độc tài quân sự ở Ai Cập.

Kết quả là, nhiều người Ai Cập lo ngại nghị trình thực sự của ông Mursi không phải là để bảo vệ cách mạng, mà là để tăng cường quyền lực của Tổng thống, và của Tình anh em Hồi giáo, một phong trào mà từ đó ông đã trưởng thành và thăng tiến.

Đặc biệt, có một cáo buộc rằng mục đích thật sự là nhằm cho phép Hội đồng Lập hiến - vốn do người Hồi giáo chiếm ưu thế - viết một hiến pháp Hồi giáo cho Ai Cập. Đó là lý do quyết định của Mursi gây ra nhiều chia rẽ cay đắng, thậm chí tiềm tàng nguy hiểm, ở đất nước này.

Nó có thể biến thành một trận chiến giữa một bên là người Hồi giáo, và một bên là những người thế tục, tự do và Công giáo. Vì thế thậm chí có một nỗi sợ rằng điều này sẽ biến thành một cuộc chiến giáo phái.

Những lo ngại đó có thể là hơi quá. Nhưng chắc chắn đây là một thời điểm quan trọng đối với Ai Cập. Đó là một cuộc đấu tranh rất lớn cho hướng đi tương lai của một đất nước mà, rất thường xuyên, dẫn đường cho phần còn lại của Trung Đông.

Thanh Hảo (Theo BBC)