Một hiện tượng chưa từng có đang xảy ra tại xã Tây Tựu là người người, nhà nhà mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền tỷ trồng hoa ly cho mùa Tết.
Hơn 500 tỷ đồng trồng hoa ly
Bắt đầu từ năm 1995, nông dân xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) không còn canh tác lúa mà chuyển hẳn sang trồng các loại hoa và rau, quả, nhằm đáp ứng nhu cầu cho thị trường Hà Nội.
Trong các loài hoa cao cấp, hoa ly cũng mới chỉ được người dân đưa vào trồng thử nghiệm từ 4-5 năm nay, nhưng chỉ với diện tích nhỏ.
Có lẽ thấy vụ hoa Tết năm trước có một số nhà trồng hoa ly thắng lớn nên vụ hoa Tết này, nhà nhà đổ xô trồng khiến diện tích hoa ly bỗng tăng đột biến. Thời điểm này, các ruộng hoa đều đã xuống giống được khoảng 5-10 ngày để đón dịp Tết. Điểm dễ phân biệt là những ruộng này được quây, che kín bằng những tấm lưới đen.
Năm nay người dân Tây Tựu trồng hơn 200ha hoa ly. |
Ông Bùi Trung Hòa - Phó chủ tịch xã Tây Tựu cho biết, vụ này người dân trong xã đã trồng khoảng hơn 200ha hoa ly, gấp 2-3 lần so với năm trước. Trong đó, diện tích trên địa bàn xã khoảng 38ha, còn lại thuê đất tại các xã khác trên địa bàn huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất để trồng.
Đến nay cơ bản các hộ đã xuống giống xong. Nhà trồng ít nhất cũng 2-3 sào, còn lại từ một mẫu ruộng trở lên. Hoa ly giống đa dạng gồm các loại có màu hồng, vàng, đỏ có xuất xứ từ Pháp, New Zeland, Hà Lan... có giá từ 11.000 - 22.000 đồng/củ, mỗi sào trồng khoảng 6.000 củ. Chỉ tính tiền cây giống và vật liệu làm mái che, trung bình mỗi sào hoa ly phải đầu tư trên dưới 130 triệu đồng. Với diện tích như trên, ước tính người dân xã Tây Tựu đã đầu tư khoảng 500-600 tỷ đồng trồng hoa ly, và “đây cũng là số tiền đầu tư “khủng” nhất từ trước đến nay”, ông Bùi Trung Hòa nhận định.
“Đánh bạc với giời”
Người trồng hoa ly Tây Tựu nghĩ rằng, nếu trúng mùa thì lãi sẽ vô kể (thời điểm Tết năm trước bán 80.000 đồng/cây). Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn tự nhận định rằng, đầu tư vào vụ hoa ly năm nay là mạo hiểm, cũng giống như “đánh bạc với giời”.
Mỗi khi nghe tin trời có bão hoặc mưa nhiều, những nhà trồng hoa ly đều mất ăn mất ngủ. Có nhà vừa xuống giống hoa hôm trước, nghe tin có bão số 14 liền vội vàng gọi hết anh em họ hàng đến giúp đưa giống hoa lên. “Cưng nựng, bảo bọc mấy “em” hoa này lắm, đổ gần 400 triệu vào các “em” ấy rồi. Vừa rồi nghe tin bão số 14 mà cả gia đình “sốt xình xịch”. Vì nếu bão về mà xảy ra trận ngập, như năm 2008 thì mất tất", anh Oánh (thôn 3, xã Tây Tựu - người đã đầu tư vốn trồng hơn 4 sào ly) đùa vui cho biết.
Ông Bùi Trung Hòa - Phó chủ tịch xã cũng lo lắng: “Nghe tin có bão, tôi cứ “nhảy chồm chồm”. Nếu bão về sẽ rất nhiều hộ dân trồng hoa lâm cảnh trắng tay.
Ông Chu Trần Lưu (thôn 3, xã Tây Tựu) kể, nhà ông trồng hoa ly đã 5 năm nhưng chưa thu được mấy lợi nhuận. Vì thế, con trai ông năm nay quyết thuê hơn một mẫu ruộng ở huyện khác để đầu tư lớn, bất chấp ông can ngăn. Năm trước, nhà ông “đứng tim” vì đến Tết mà hoa không nở, may đúng dịp mùng 7 âm lịch, hoa hé nở nên còn vớt vát đủ vốn. “Năm nay cũng sẽ khó được giá, vì nhiều người trồng với diện tích lớn thế này cơ mà”, ông Chu Trần Lưu lo âu.
Hiện có khoảng 60% người dân Tây Tựu trồng hoa ly và hầu hết đều thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền đầu tư. Theo ước tính của chính quyền xã Tây Tựu, người ít cũng vay 100 - 200 triệu, người nhiều nhất khoảng 2,8 tỷ đồng. Và chỉ thống kê những hộ vay nhiều trong năm 2013 này, đã vào khoảng 50-80 tỷ đồng.
Liên quan đến chuyện vay mượn, một số người cho biết phải mất từ 50 - 100 triệu đồng/tỷ “bôi trơn” qua “cò” mới vay tiền được tiền từ ngân hàng. Ông Nguyễn Khắc Nhương - Chủ nhiệm HTX số 3 Tây Tựu thừa nhận đúng là có chuyện người dân phải mất chi phí khi tiền vay ngân hàng để trồng ly.
Ông Bùi Trung Hòa cũng nhận định: “Đầu tư cho hoa ly mất nhiều vốn. Đa số người trồng phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Và tôi cũng được nghe dân kể về việc người vay phải chi tiền khi đi vay ngân hàng để thủ tục vay được nhanh gọn”.
(Theo Giao thông Vận tải)