TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, nam bệnh nhân L.V.N., 42 tuổi, ở Kinh Môn, Hải Dương được chuyển từ BV đa khoa tỉnh đến Bạch Mai do ngộ độc methanol.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu (glasgow 4 điểm), tụt huyết áp, xét nghiệm có nhiễm toan chuyển hóa nặng, chụp cắt lớp não có tổn thương và phù não.
Xét nghiệm máu cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol trong máu bệnh nhân 491,79 mg/dL, cao gấp gần 25 lần so với khuyến cáo, ethanol âm tính.
Lọ cồn sát trùng được người nhà đưa đến bệnh viện cùng bệnh nhân không có thành phần ethanol
Sau 1 tuần điều trị giải độc, lọc máu, hồi sức, đến nay sau 1 tuần, bệnh nhân đã hết nhiễm độc song còn hôn mê sâu do tổn thương não.
Theo lời người nhà, bệnh nhân nghiện rượu nặng, bị gia đình cấm đoán nên đã tự mua cồn y tế pha thành rượu uống.
Sáng hôm sau khi ngủ dậy, bệnh nhân được hát hiện hôn mê bên cạnh chai cồn sát trùng 90 độ đã cạn hết.
Chai cồn được người nhà đưa đến bệnh viện cùng bệnh nhân ghi rõ: Cồn 90 độ, sản xuất tại công ty THNN Đầu tư Thương mại Dược Hải Nam, địa chỉ: số 158, Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội. Điện thoại: 0985.448.383/0969.172.828. Công dụng: Tiệt trùng dụng cụ. Ngày sản xuất: 01/02/2020. HSD: 3 năm. Barcode: 8938519370685.
Tuy nhiên, xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn của bệnh nhân cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol chiếm đến 81,88%, nồng độ ethanol là 1,01%.
BS Nguyên khuyến cáo, methanol không có tác dụng sát trùng. Hàm lượng ethanol trong chai cồn không đạt hoặc không có sẽ không thể tiêu diệt vi trùng, không thể bảo vệ bệnh nhân trước nguy cơ dịch bệnh, nhiễm trùng sau phẫu thuật, vết thương và tiêm truyền.
"Nếu người dân và cơ sở y tế mua phải loại cồn này để sát trùng thì rất nguy hiểm, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay", BS Nguyên cảnh báo.
Hơn nữa, loại cồn này khi bôi trên da có nguy cơ ngấm trực tiếp qua da vào máu có thể gây nhiễm độc, hậu quả ngộ độc giống như khi uống mathanol.
Ngày 5/3 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phát hiện hàng trăm sản phẩm được mô tả "cồn sát trùng diệt khuẩn" nhưng thành phần chính lại là cồn công nghiệp methanol.
Theo các quy định hiện hành, cồn y tế là cồn chứa ethanol với các hàm lượng 70%, 90%... Cồn y tế chỉ được phép không quá 0,02% methanol, các thành phần không được quá 0,03%.
Trong khi đó, methanol là cồn công nghiệp, nếu hít phải, dính vào da hoặc uống nhầm methanol, người ngộ độc sẽ có các biểu hiện đau đầu, mệt, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, nặng hơn sẽ bị mù, co giật, giãn đồng tử, suy sụp tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Khi vào cơ thể, methanol sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Ca ngộ độc methanol nặng nhất từ trước đến nay lên tới 687mg mathanol/dL.
Dù uống liên tục với liều không cao nhưng methanol vẫn tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
Việc điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc methnol rất tốn kém, tỉ lệ tử vong cao, những ca thoát chết cũng để lại di chứng nặng nề ở não, mắt rất nặng nề như phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…
Thúy Hạnh
Việt Nam có 2 bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy, lọc máu
- Ngoài bệnh nhân người Anh, có thêm 1 bệnh nhân nữ, 64 tuổi ở Hà Nội đang phải thở máy, lọc máu liên tục.