Vừa rồi, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ đầu số 1310080, phát lời thoại ghi âm sẵn, bảo rằng tôi có một quyết định của tòa án nhưng không phản hồi, vì vậy, để biết thêm chi tiết thì nhấn phím 9.

Tôi bấm phím 9 thì một giọng nam nghe máy, xưng là cán bộ “Văn phòng Tòa án TPHCM”. Tôi không khó để nhận biết đây là chiêu trò lừa đảo đã rất phổ biến trong thời gian gần đây. Rủi cho chúng là đã không gọi đúng người có thể lừa được. 

Đã có không ít trường hợp bị lừa đảo đến hàng tỷ đồng qua điện thoại. Kẻ lừa đảo tự nhận mình là người ở bưu điện, hải quan, tòa án, công an, dẫn dụ “con mồi” như bị phát hiện có kèm tiền hay ma túy trong bưu phẩm gửi đến, có bưu phẩm quá hạn không đến nhận, đang nợ cước điện thoại hoặc nợ ngân hàng với số tiền rất lớn, hoặc úp mở rằng có một quyết định của tòa án, của công an…

Khi người nghe gọi tiếp đến số điện thoại mà bọn chúng cho hoặc theo một số nội bộ nào đó, thì kịch bản lừa đảo sẽ giăng sẵn cho những ai thiếu thông tin, mất cảnh giác hoặc yếu bóng vía, nhẹ dạ chuyển tiền đến bọn lừa đảo hoặc gửi cho chúng các thông tin lẽ ra cần bảo mật.

Thời gian qua, báo chí đã không ít lần cảnh báo những cuộc điện thoại từ các đầu số +224, +231, +232, +252, +247… đều là lừa đảo, nếu không nhằm dẫn dụ các màn kịch nêu trên thì cũng nhằm lừa người nghe nhá điện thoại sẽ gọi lại và mất tiền theo cước quốc tế.

Để ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo này, cần quản lý chặt chẽ các đầu số điện thoại, với những đầu số nào chưa được đăng ký mà xuất phát từ Việt Nam thì phải truy người sử dụng, động cơ sử dụng và có hình thức chế tài nghiêm khắc; với những đầu số nào không có nguồn gốc từ Việt Nam, phải ngăn chặn kịp thời.

Khi tiếp nhận các trình báo lừa đảo liên quan đến các số điện thoại đáng ngờ này, cơ quan công an nên thông tin cảnh báo nhanh qua báo chí và các diễn đàn, các fanpage trên mạng xã hội, để người dân cảnh giác.

TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)

Theo Sài Gòn Giải phóng online