-
Ngày nào cũng vậy, khúc sông Đinh chảy ngang xã An Trung đều chứng kiến những đứa trẻ ở làng Đồng Phê và Nước Loi cần mẫn đến trường. Những đứa lớn dắt díu nhau giữa lòng sông mênh mông chảy xiết.
Hiểm nguy rình rập
Mùa mưa lũ, sông Đinh - đầu nguồn sông An Lão - nước dâng cao, chảy cuồn cuộn chia cắt, cô lập, làng Đồng Phê, Nước Loi (xã An Trung, huyện An Lão, Bình Định). Lũ trẻ muốn về khu vực trung tâm xã để học, dân làng muốn bán mớ rau... đành xuống đò hoặc dò sông lội bộ trong phập phồng nỗi lo…
Chỉ tay về hướng ấy, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung Nguyễn Trọng Tuấn, trầm tư cho biết, bên kia sông Đinh là làng Nước Loi (thôn 6) và Đồng Phê (thôn 5); đồng thời, cũng là nơi tập trung hơn 40 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã và hơn 200 ha đất canh tác lâm nghiệp và đất hoa màu.
Con nước sông Đinh bao năm qua là nguồn phù sa tắm mát cho ruộng đồng, nhưng đồng thời là rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương bởi sự chia cắt.
|
Muốn sang sông người dân chỉ còn cách chèo đò hoặc liều mình “nhắm mắt” băng qua. |
100 hộ dân người H’re (trên 200 nhân khẩu) nhiều đời nay gần như bị cô lập và phải đối mặt với nhiều hiểm nguy mỗi khi mùa mưa đến.
8 giờ sáng, một nhóm thợ keo tập trung ngay bến để gọi đò Đồng Phê sang sông. Nghe chúng tôi ái ngại về dòng nước đang chảy xiết sau mấy trận mưa lớn vừa qua, anh Đinh Văn Bon (35 tuổi, ở làng Mang Gối, thôn 5) bảo: “Con sông này rộng phải đến 150m. Ở đầu nguồn, lại nhằm mùa mưa, nước lớn và mạnh. Song, ngày nào cũng qua lại thành ra chuyện-bình-thường”.
Nhóm thợ làm thuê chuẩn bị vượt sông sang thôn 5. |
Với bộ dạng ướt sũng, bước lên từ dòng nước lạnh ngắt, chị Đinh Thị Gôn (28 tuổi, làng Đồng Phê), nhớ lại: 8 năm trước, chị Đinh Thị Thanh, vợ anh Đinh Văn Đích (ở làng Đồng Phê), chuyển dạ giữa mùa nước lớn. Để kịp thời đưa chị đến Trạm y tế xã, người làng quyết định cắt cử mấy thanh niên khỏe mạnh dùng cây gỗ mắc võng, đưa vợ nhà Đích sang sông.
Nâng võng trên đôi tay chắc khỏe, mấy anh thanh niên bắt đầu hành trình vượt sông khi con nước lên tới ngang ngực. Ai cũng cầu trời cho chân cứng đá mềm, chuyến vượt sông này thành công để mẹ tròn con vuông.
|
Lội sông đến trường |
Vậy mà, chị Thanh sinh con khi vừa đến giữa dòng nước. Đứa trẻ năm nào nay đã học lớp 4 và hằng ngày tiếp tục lội sông Đinh đến trường.
2 năm trước, một cặp vợ chồng (ở làng Nước Loi, thôn 6), vĩnh viễn gửi mình vào lòng sông do bất cẩn trong lúc lội sông về làng sau khi đi ăn giỗ.
Vẫn bền lòng với con chữ
Ngày nào cũng vậy, khúc sông Đinh chảy ngang xã An Trung đều chứng kiến những đứa trẻ ở làng Đồng Phê và Nước Loi cần mẫn đến trường. Những đứa lớn dắt díu nhau giữa lòng sông mênh mông chảy xiết.
Con trai vắt quần lên cổ, kéo vạt áo lên ngang ngực, kẹp chặt cặp sách, dò dẫm băng sông. Thi thoảng, như muốn thử lòng kiên trì của lũ trẻ vùng cao, sông Đinh lùa những vóc dáng nhỏ bé ra xa nhau, rồi xô dồn trở lại. Hình ảnh đó làm không ít phụ huynh đứng bên kia bờ dõi theo con lo lắng.
Chị Đinh Thị Lít cõng bé Đinh Thị Yến Vi (phía sau) cùng em Đinh Văn Khánh bì bõm lội sông Đinh tới trường.
Em Đinh Văn Khánh ướt sũng sau hành trình vượt sông Đinh.
|
Chỉnh trang lại trang phục để chuẩn bị đến trường. |
Cùng với đó, vài đứa trẻ nhỏ tuổi hơn đang được cha mẹ cõng đến lớp. Đến giữa dòng, những bà mẹ cố gắng rướn người cao hơn hoặc giục đứa con nâng mông để tránh bị ướt.
Sang đến bờ, chị Đinh Thị Lít (27 tuổi, ở làng Đồng Phê) vội chỉnh lại trang phục con gái Đinh Thị Yến Vy trước khi vào lớp.
Chị Lít kể: “Con gái thích đến trường lắm nên bà ngoại và ba mẹ thay phiên nhau đưa cháu qua sông. Nước hôm nay chỉ lội ngang hông nên mẹ cõng đi, chứ lớn hơn nữa là giao cho ba. Cũng có bữa, hai mẹ con té nhào giữa sông, ướt hết quần áo, sách vở.
|
Cõng con lội sông đến trường. |
Từ tháng 10 đến nay, hai lần nước dâng cao, con gái phải nghỉ học. Những ngày đó, nghe giọng nó buồn thiu - Vậy là con không theo kịp bạn bè rồi - thấy thương sao mà thương”.
|
Đến với lớp học bên kia sông. |
Bởi giấc mơ con chữ, bởi ước vọng về một tương lai phấn khởi hơn cho những đứa trẻ làng mình, bất kể nhịp nước sông Đinh có dữ dội, thất thường, việc đến trường vẫn không đứt quãng.
Chúng tôi tin chắc vào điều ấy khi nhớ lại hình ảnh em Đinh Văn Khánh (ở làng Đồng Phê, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học An Trung) cùng bạn bè giơ cao cặp cho khỏi ướt, vượt qua cơn lạnh tím người do chiếc quần đùi ướt mang lại, tròng nhanh quần dài để chạy vào lớp; những em gái ở làng Nước Loi như Đinh Thị Khang (cùng lớp với Khánh và Thúy) được ba mẹ gửi gạo, ở nhờ nhà người quen để đường đến trường gần hơn...
Huyền Trang