Hàng chục năm qua, việc ngăn sông Đà để xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (từ năm 1979 - 1991) đã tạo nên vùng lòng hồ rộng lớn, cảnh sắc núi sông hùng vĩ. 

Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, dài khoảng 70km trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh. Khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn, nhỏ với diện tích gần 160ha, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160ha. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng, xung quanh khu vực này còn có nền văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái.

Với lợi thế có tổng diện tích mặt nước rộng trên 8.800ha, đáy sâu, hồ Hòa Bình có nguồn lợi thủy sản phong phú về giống và loài. Ngoài sinh vật phù du, xung quanh hồ còn có hàng nghìn ha thảm thực vật và rừng phòng hộ, với độ che phủ cao. 

Cũng từ đây nghề nuôi cá lồng hình thành, cuộc sống của hơn 2.000 hộ dân ven hồ ngày càng ấm no, đủ đầy. Trong đó, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư nuôi từ 4 - 6 lồng cá, mang lại nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Huyện Đà Bắc rộng 96,6ha là một trong những địa phương của Hòa Bình phát triển nghề nuôi cá lồng ổn định với hơn 2.200 lồng cá tập trung nhiều tại các xã Hiền Lương, Vầy Nưa, Tiền Phong, Đồng Ruộng.

Toàn tỉnh có khoảng 2.000 hộ dân duy trì nghề nuôi cá lồng. Có những hộ sở hữu hàng chục lồng cá, tập trung ở các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Cao Phong, TP Hòa Bình. 

Giá bán các loại cá khá ổn định, trong đó cá trắm đen bán tại lồng từ 150.000 - 180.000 đồng/kg, bán theo chuỗi trên 200.000 đồng/kg; cá lăng dao động từ 110.000 - 150.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, dù giá thức ăn tăng cao nhưng người nuôi cá vẫn có lãi.

Trước đó, trong hai năm đại dịch Covid-19 (2020 và 2021), người nuôi cá nơi đây gặp khó khăn "kép” vì tình trạng cá chết do ảnh hưởng của lũ tiểu mãn và mực nước xuống thấp mùa cạn; khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá thức ăn tăng cao. Năm 2022, nghề nuôi cá lồng đã phục hồi mạnh mẽ, sản lượng tăng, tiêu thụ thuận lợi với giá bán ổn định. 

Các giống cá được nuôi chủ yếu trên vùng lòng hồ Hòa Bình gồm: nheo Mỹ, chiên, lăng, diêu hồng, chép, trắm đen, cá bỗng, cá tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai.

Từ quy mô nuôi trồng ban đầu nhỏ lẻ, hiện nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản đã đầu tư khá lớn để xây dựng các trang trại, nâng cấp lồng nuôi loại lưới có thể tích lớn cung cấp hàng nghìn tấn cá thương phẩm ra thị trường.

Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có hơn 36 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong hộ gia đình đầu tư thâm canh nuôi cá với quy mô 4.750 lồng, sản lượng đạt 6.150 tấn/năm. 

Hồ Hòa Bình sở hữu phong cảnh sơn thủy hữu tình, thơ mộng, không gian thiên nhiên hoang sơ, là tài nguyên, được tỉnh này xác định là trọng điểm phát triển du lịch.

Thu Hằng, Thu Hằng HP, Đình Thành, và nhóm BTV