- Rừng lộc vừng có từ khi nào các bậc cao niên trong làng cũng không còn nhớ, chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đã thấy lộc vừng bao quanh làng, che chắn cho làng qua bao nhiêu mùa nắng, mưa, bão và cả súng đạn quân thù.

Kho báu không tuổi của làng

Về làng Phú Thọ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vào mùa này, từ đầu thôn đến cuối xóm đâu đâu cũng được bóng cây lộc vừng rợp bóng mát.

Đó là kho báu lớn của người làng, nhưng để xác định được tuổi của rừng lộc vừng là rất khó, vì thiên tai, chiến tranh đã làm mất, thất lạc nhiều văn tự của làng.

Chỉ biết rằng, làng có lịch sử khoảng trên 400 năm thì rừng lộc vừng cũng có khoảng chừng đó tuổi.

{keywords}
Con đường dẫn vào làng rợp bóng lộc vừng

Cụ Châu Văn Mạnh (SN 1931) đã kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện truyền từ đời này sang đời khác của ở làng là, trước đây, khu đất này chỉ bao quanh bởi sình, lầy, lau sậy... và không có dân cư sinh sống.

Khoảng hơn 400 năm trước, tổ tiên của ba họ lớn là họ Châu, Nguyễn và Đỗ đã đến đây lập nghiệp. Vì có ít loại cây phát triển và chịu đựng được sình lầy nên tổ tiên của người làng đã chọn lộc vừng để trồng làm vành đai chống gió bão, mưa lũ cho làng.

Cụ Mạnh cũng cho biết thêm: “Rừng lộc vừng có thế tựa rồng, đầu rồng bắt đầu từ mũi Viết ngã ba chợ Thùi và đuôi rồng nằm ở cuối làng Dọc theo đường cái lớn. Dưới có đình làng, trên có điện thờ Khổng Tử nên rất linh thiêng, rừng lộc vừng đang nằm ở vị trí lưng rồng nên đã che chắn, bảo vệ dân làng suốt mấy trăm năm qua”.

{keywords}
Sâu trong rừng lộc vừng hơn 400 tuổi

Không chỉ che nắng, chắn bão mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng lộc vừng cũng góp một phần không thể thiếu cho những trận đánh oanh liệt của làng.

Sau bao nhiêu năm, rừng cứ thế mà phát triển, một thời gian, cây lộc vừng trở thành cây cảnh được nhiều người ưa chuộng nên đã bị đào đi không ít, hiện nay cả làng chỉ còn khoảng hơn 2ha với rất nhiều cây lớn nhỏ, trong đó có khoảng 300 cây lớn với đường kính từ 0.6 – 1,2m.

Mỗi người dân là một... kiểm lâm viên

Người làng Phú Thọ vẫn còn nhắc câu chuyện vào một đêm mưa gió cách đây 4 năm, khi cả làng đang ngủ say thì bị đánh thức bởi tiếng cưa rền lẫn trong tiếng gió.

Không ai bảo ai, người làng cùng thắp đuốc chạy ra thì thấy mấy cây lộc vừng cổ thụ đã yên vị trên xe của lâm tặc và đang rời khỏi làng.

Sau sự việc đó, thôn đã lập ra một đội bảo vệ rừng rồi chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau canh gác suốt ngày đêm. Chỉ cần thấy người lạ lai vãng gần đó là người dân đã báo cáo cho bảo vệ để tìm cách xử lí.

{keywords}
Những thế lộc vừng này độc đáo, khi thì có dáng như môt chú trâu đang nằm nghỉ, cây thì rễ quấn vào nhau không có gió bão nào lay chuyển được...

Tuy nhiên, không chỉ người ngoài mà có trường hợp người trong làng đã cấu kết với những người mua cây cảnh để bán lộc vừng vì mờ mắt trước giá trị quá lớn của nó.

Ông Lê Văn Tiến, trưởng thôn Phú Thọ kể: “Biết được thông tin đó nên khi họ mới đào được mấy nhát cuốc là chúng tôi ập đến bắt quả tang, không chối cãi được nên mấy tay chơi cây cảnh phải làm bản cam kết sẽ không bao giờ quay lại làng gạ gẫm người làng bán lộc vùng cho họ.

Còn người bán lộc vừng trong thôn chúng tôi đã cho loa phát thanh đọc tên ra rả cả buổi để cảnh cáo”.

Rừng lộc vừng của thôn rất đẹp, có những cây cổ thụ hai người ôm không xuể, rồi có những cây có hình dáng tựa như một con rồng, như một chú trâu đang nằm ngủ...

Vì rất thích những cây lộc vừng của làng nên có nhiều người sẵn sàng mở những cuộc nhậu, làm thân với nhiều người trong làng và hứa sẽ xây đường bê tông cho làng nếu làng đồng ý đổi lộc vừng, nhưng dân làng kiên quyết không đồng ý.

“Hiện nay, thôn đang làm đơn để xin nhà nước cấp sổ đỏ cho cánh rừng để người dân dễ dàng bảo vệ kho báu của làng hơn”, ông Tiến cho biết.

Không công cán, cũng không ai khen thưởng gì nhưng cho đến giờ, người dân nơi đây vẫn xem chuyện bảo vệ rừng lộc vừng như một lẽ tất nhiên, họ quyết giữ bằng ý chí và cả tấm lòng.

Hải Sâm