- Chiều ngày 24/11, trên một số trang báo trực tuyến xuất hiện một bản tin gây sốc: Một nhóm thanh niên đang hành hung hai CSGT bằng dao chọc tiết lợn. Tuy nhiên, thực tế những hình ảnh này chỉ là một cảnh diễn mới được phát trên VTV6.

Hình ảnh được nhiều tờ báo điện tử và trang tin trực tuyến đăng tải về một vụ "tấn công CSGT bằng... dao chọc tiết lợn" trong ngày 24/11 vừa qua.

Bản tin "tấn công CSGT" gây sốc


Hiện khi tìm kiếm trên Google với cụm từ “tấn công CSGT bằng dao chọc tiết lợn” vẫn cho ra kết quả nhiều tin bài trên các báo điện tử và trang thông tin trực tuyến đăng lại bản tin dẫn nguồn từ báo NLĐ Online. Tuy nhiên, khi bấm vào kết quả tìm kiếm, một số trang báo như Bee, 24h, TT&VH… đã gỡ bỏ nội dung bài viết này. Bản thân bản tin gốc trên báo NLĐ Online cũng đã được xóa.

Bản tin gốc của tác giả có bút danh Quý Lâm được xuất bản lúc 12h05p ngày 24/11 trên NLĐ Online, xuất phát từ một hình ảnh “ghê rợn” được chia sẻ trên diễn đàn otosaigon.com với cảnh một nhóm thanh niên đang tấn công 2 CSGT bằng côn nhị khúc và dao chọc tiết lợn. Bản tin cũng cho biết “hiện chưa thể xác định địa điểm, thời gian xảy ra và hậu quả của vụ tấn công”.

Ngay sau đó, với tính chất “ghê rợn” của hình ảnh tấn công CSGT, rất nhiều tờ báo và trang thông tin trực tuyến đã đăng tải lại bản tin này với tốc độ chóng mặt, cả với hình thức lấy lại thủ công (copy & paste) và lấy lại tự động bằng phần mềm máy tính.

Tuy nhiên, sau khi bản tin được chia sẻ trên Facebook và các diễn đàn trực tuyến như  WTT…, nhiều cư dân mạng đã phát giác đây là cảnh dàn dựng trong đoạn phim “Vào rượu bia, ra… tai nạn” của chương trình Tòa tuyên án phát trên VTV6 vào đầu tuần này. Có thể một thành viên vui tính nào đó đã chụp lại cảnh côn đồ tấn công CSGT trong phim và chia sẻ lên diễn đàn otosaigon.com, khiến tác giả Quý Lâm xem được và “chuyển thể” ngay thành một bản tin “chưa thể xác định địa điểm, thời gian và hậu quả vụ tấn công”.

Kết quả tìm kiếm trên Google cho thấy khá nhiều tờ báo và trang tổng hợp tin tức trực tuyếnđã đăng tải lại bản tin gây sốc này.

Mặt trái của thông tin trực tuyến

Điều đáng nói là xuất phát từ sự bất cẩn của một phóng viên trong việc xác minh thông tin, môi trường Internet đã gián tiếp thúc đẩy cho sự lan tỏa nhanh chóng của bản tin thiếu chính xác này. Trong thời buổi báo chí online cạnh tranh nhau đến từng phút như hiện nay, các trang thông tin trực tuyến cũng trở nên thụ động và phản xạ máy móc theo cách đơn giản là lập tức đăng tải lại mà không cần xác minh thông tin.

Tất nhiên, sau khi có thông tin xác minh rằng hình ảnh tấn công CSGT bằng dao chỉ là đóng phim, các trang báo online có nhiều người đọc đã tiến hành xóa bỏ thông tin không chính xác. Tuy nhiên hiện vẫn còn rất nhiều trang thông tin tổng hợp và sao chép tự động còn lưu lại bản tin này.

Nếu một người được nghe kể lại và lên mạng tìm kiếm thông tin thì vẫn đọc được các thông tin cho thấy đã xảy ra một vụ tấn công CSGT bằng dao với hình ảnh ghê rợn, còn thông tin trên các trang báo online có uy tín hơn thì chỉ là trang web đã xóa trắng nội dung.

Cảnh phim "Vào rượu bia, ra… tai nạn" trong chương trình Tòa tuyên án trên VTV6 với các đối tượng hành hung CSGT bị xét xử. (Nguồn: vtv6.com.vn)

Cần chỉnh sửa ngay trên nội dung sai

Không phải chỉ ở Việt Nam, các trang báo online quốc tế cũng phải chịu áp lực cạnh tranh thông tin, và việc đăng tải những thông tin thiếu chính xác, không có cơ sở xác minh cũng là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, với các trang báo trực tuyến quốc tế, bao gồm cả tờ báo uy tín lẫn các trang tin “lá cải” chuyên về tin đồn, cũng có những quy định khi đưa thông tin không chính xác. Cụ thể là bản tin không chính xác được hiệu đính lại, sửa đổi tiêu đề, ghi rõ phần nội dung mới cập nhật (Update), gạch chân hoặc gạch giữa các thông tin sai và bổ sung thêm các thông tin chính xác về sự việc.

Cách làm này giúp các độc giả sau khi đọc phải thông tin sai lệch ban đầu có cơ hội được cập nhật những thông tin chính xác hơn, không bị thiếu thông tin để bán tín bán nghi vào thông tin sai. Việc cập nhật nội dung cũng giúp giữ thể diện một cách tốt nhất cho tờ báo đã đăng tải thông tin thiếu chính xác, tránh gây phản cảm và thể hiện sự tôn trọng độc giả hơn khi họ truy cập vào đường link cũ để kiểm tra lại thông tin.

Các độc giả trực tuyến tại Việt Nam cũng xứng đáng được hưởng quyền lợi tương tự, và theo lẽ tất yếu sẽ ưa thích những trang báo nào thể hiện được sự tôn trọng với độc giả nhiều hơn. Áp lực cạnh tranh thông tin trực tuyến tới đây sẽ không chỉ còn là độ nhanh, độ chính xác của thông tin hay lượng hit truy cập, mà còn cả độ tôn trọng độc giả.

  • Huy Phong