- "Vết thương ở cánh tay của bé trai bị gấu cắn rất phức tạp, dù đã được cắt lọc nhưng khả năng nhiễm trùng khá cao, phần mỏm cụt còn lại cũng bị nhay nát, có thể phải mổ thêm lần nữa”, bác sĩ Phan Đức Minh Mẫn, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM nhận định.

Sáng 12/1, theo bác sĩ Minh Mẫn, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình TP.HCM, bệnh nhi bị gấu cắn vẫn đang trong tình trạng hết sức hoảng loạn.

{keywords}
Khoa Chỉnh hình nhi, nơi bé trai 3 tuổi bị gấu cắn đang điều trị. Ảnh: Thanh Huyền 

Chiều 11/1, khoa Nhi, bệnh viện tiếp nhận một bé trai 3 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn trong tình trạng sốc nặng do đau và mất máu nhiều.

Cháu bé có vết thương ở cánh tay phải, đã được xử trí ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 trước đó.

“Sau khi xem phần tay bị đứt lìa, chúng tôi đành giải thích với người nhà không thể nối tay cho bé. Phần tay đứt lìa dập nát, phần cơ cũng nát hết. Ngay cả đoạn mỏm cụt còn lại của cánh tay cũng bị nhay nát.”, bác sĩ Mẫn kể.

Các bác sĩ đã mổ cắt lọc vết thương cánh tay trong vòng 1 tiếng, cố gắng kéo da che được một phần ở mỏm cụt nhưng tiên lượng nguy cơ nhiễm trùng rất lớn.

Cho tới thời điểm này, bệnh nhi vẫn sốt cao 39 độ C. Nếu tình trạng chuyển biến xấu, có lẽ bé sẽ phải mổ lại để cắt lọc vết thương lần thứ 2.

Di chứng phải đối mặt sẽ là gánh nặng về sau với cháu bé. Theo thời gian, phần xương ở mỏm cụt sẽ trồi ra gây đau đớn, khó khăn cho việc lắp tay giả.

Nếu mọi chuyện tiến triển tốt, khoảng 1 tháng sau có thể nghĩ tới chuyện lắp tay giả cho cháu bé. Ngược lại, vết thương vẫn tiếp tục nhiễm trùng, xấu nhất bệnh nhi sẽ phải tháo luôn khớp vai.

Từ trước tới nay, khoa Nhi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận rất nhiều trẻ em bị khỉ cắn, chó cắn, thậm chí cá sấu cắn. Nhưng gấu cắn thì đây là lần đầu tiên.

Với những trường hợp bị chó hoặc khỉ cắn cùng lắm chỉ đứt ngón tay, nhưng những động từ con vật to lớn như cá sấu, gấu...mức độ tổn thương rất nguy hiểm.

“Chúng tôi từng cấp cứu cho một bé bị cá sấu cắn đứt lìa bàn tay ở Bình Dương. Bàn tay của em bé đó chìm luôn xuống nước nên các bác sĩ không thể làm gì.”, bác sĩ Mẫn nhớ lại.

Qua đó, bác sĩ Mẫn cảnh báo, phụ huynh phải trông chừng trẻ nhỏ, tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với động vật, dù là thú nuôi thân thuộc như chó, mèo.

“Trẻ em chưa nhận biết được nguy hiểm, vô tình khiêu khích khiến động vật nổi cáu, phản ứng lại. Đặc biệt, các vết cắn do động vật gây ra, nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Trong một số trường hợp, dù nối lại được tay, chân nhưng chức năng hoạt động cũng bị ảnh hưởng.”, bác sĩ Mẫn nói.

Thanh Huyền