Huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có 21 xã, thị trấn, với hơn 70.000 người dân sinh sống. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động hơn 47.000 người.
Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 12 đặt ra yêu cầu tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên.
Những năm qua, huyện Trùng Khánh đã quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Đào tạo nguồn lao động nông thôn theo hướng đổi mới và phát triển; tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế, từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến của quốc gia và khu vực. Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động, góp phần tích cực giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để làm cơ sơ cho việc tổ chức dạy nghề.
Tổ chức đào tạo nghề gắn với các chương trình, đề án trọng tâm của huyện, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề và chuyển đổi nghề của người lao động. Bồi dưỡng cho người lao động các kỹ năng làm việc nhóm, tác phong công nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Chú trọng đào tạo cho người lao động biết ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình sản xuất, nâng cao kỹ năng về quản lý, quản trị doanh nghiệp, triển khai các dịch vụ nông nghiệp nông thôn.
Đào tạo lao động tại các ngành, lĩnh vực như: Điện, hàn, xây dựng dân dụng, sửa chữa xe máy, sửa chữa cơ điện nông thôn, nghiệp vụ lễ tân, khách sạn, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch. Đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore bảo đảm theo đúng quy định.
Huyện ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát triển các sản phẩm OCOP của huyện.
Năm 2021, 100% xã, thị trấn của huyện có 140 học viên đăng ký học nghề, tuy nhiên, do chưa được cấp kinh phí nên việc mở các lớp đào tạo nghề không thực hiện được.
Năm 2022, huyện mở 6 lớp đào tạo nghề cho 204 học viên. 100% học viên xếp loại đạt từ trung bình trở lên và được cấp chứng chỉ sơ cấp.
Sáu tháng đầu năm 2023, có 525 người tại 6/21 xã, thị trấn đăng ký học nghề. Đến nay, mở được 10 lớp với 350 học viên học các nghề phù hợp với thế mạnh của từng địa phương như chăn nuôi gà, lợn hữu cơ, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng thuốc lá, trồng rau an toàn… Tạo điều kiện cho 4 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc đào tạo chưa thật sự gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động sau đào tạo nghề được giải quyết việc làm còn thấp, cơ hội, khả năng tìm được việc làm của họ chưa cao. Nhiều học viên sau khi đào tạo không tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu cũng như không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tại địa phương.
Học viên tham gia các nghề đào tạo chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, độ tuổi không đồng đều, khả năng tiếp thu kiến thức còn nhiều hạn chế, khó khăn cho công tác quản lý và truyền đạt kiến thức, thực hành của giáo viên.
Các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, nhà xưởng, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên… không đảm bảo chất lượng dạy nghề. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để sau khi đào tạo, người lao động có thể áp dụng ngay vào lao động sản xuất.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã đề ra, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong giáo dục nghề nghiệp, huyện Trùng Khánh xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động của địa phương, gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo sẽ giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, thủy sản, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thương mại, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động và các ngành nghề nông thôn, đảm bảo nguồn nhân lực có tay nghề, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện đào tạo và gắn kết với các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động để người lao động sau khi đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định.
Tăng cường tuyên truyền về chính sách học nghề, tư vấn nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm bằng nhiều hình thức phù hợp đến người lao động, nhất là người dân tộc thiểu số, đội ngũ thanh niên để họ nắm và hiểu đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học.
Duy trì công tác điều tra, rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để chọn các ngành nghề phù hợp cho từng loại đối tượng học, sát với nhu cầu của người dân và phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới. Đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.