Đa dạng hình thức phát triển kinh tế dưới tán rừng 

Với diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là hơn 547.000 ha, chiếm 81,6% tổng diện tích tự nhiên, tỉnh Cao Bằng đã có những định hướng thực hiện các nội dung thuộc Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025 liên quan đến phát triển kinh tế rừng nói chung và phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, qua đó, từng bước phát huy được lợi thế để phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích rừng tự nhiên là hơn 353.000 ha và gần 17.000 ha diện tích rừng trồng. Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện một số đề tài, dự án như: “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán rừng tại tỉnh Cao Bằng”; “Nhân giống cây dược liệu lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”; Dự án “Ứng dụng khoa học và kỹ thuật xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”.

W-caobang-5.png
Ảnh minh hoạ

Bước đầu, các mô hình này đã góp phần tăng thu nhập cho người dân tại địa phương, đồng thời bảo vệ, duy trì bền vững các hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, định hướng cho các dịch vụ du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Để nâng cao hiệu quả, Cao Bằng sẽ thực hiện việc phát triển kinh tế dưới tán rừng bằng nhiều hình thức khác nhau, khi điều kiện về nguồn lực được đảm bảo. Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025 đã xác định một số hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, phát triển một số giống cây như sâm, linh chi đen, hoài sơn và tập trung trồng cây lâm sản ngoài gỗ với diện tích 2.550 ha, trong đó sẽ có 500 ha hồi tại các huyện Thạch An, Trùng Khánh; 600 ha quế tại huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm; trồng cây dược liệu 250 ha như sâm Ngọc Linh, hà thủ ô, lan kim tuyến, bảy lá một hoa ở các huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Thạch An và Bảo Lạc.

Dấu ấn hơn 10 năm phát triển rừng và chế biến lâm sản

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 30/12/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng và chế biến lâm sản giai đoạn 2010-2020, diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt.

Tổng diện tích trồng rừng tập trung đạt 15.693,04 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,1%, năm 2015 đạt 53,5%, đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,29%, bằng 92,15% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng diện tích rừng năm 2020 đạt 370.478,57 ha, bằng 91,87% so với mục tiêu Nghị quyết, trong đó diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đạt 206.663,08 ha, bằng 89,56% so với mục tiêu Nghị quyết; diện tích rừng sản xuất đạt 167.433,29 ha, bằng 97,05% so với mục tiêu Nghị quyết.

Việc quản lý, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ được thực hiện đúng theo quy định. Rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới được duy trì và hình thành cấu trúc rừng đảm bảo chức năng phòng hộ; quy hoạch vùng trồng rừng tập trung, trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày tại các huyện Hòa An, Thạch An; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; hỗ trợ đầu tư trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất, hỗ trợ trồng các loài cây gỗ lớn...

Thực hiện bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2010-2020 theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP. Hỗ trợ bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ( Khu vực II và III) góp phần ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, khai thác rừng trái phép và các hành vi xâm hại đến rừng và tài nguyên rừng.

Công tác phát triển các mô hình kinh tế trang trại được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm. Toàn tỉnh thành lập được 160 mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu”; hỗ trợ thành lập 15 hợp tác xã có liên quan đến trồng rừng, chăm sóc rừng và gieo ươm giống cây lâm nghiệp; hỗ trợ 02 mô hình trồng cây lâm nghiệp với tổng kinh phí 480 triệu đồng. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất rừng trồng; tăng cường lực quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Nâng cao giá trị kinh tế rừng và giá trị văn hóa, lịch sử

Thời gian tới, Cao Bằng tiếp tục thực hiện quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, đồng thời đảm bảo phù hợp với tổng thể quy hoạch chung của tỉnh; xây dựng phương án quản lý bền vững; khai thác sử dụng gắn với bảo tồn thiên nhiên, nâng cao giá trị kinh tế rừng và giá trị văn hóa, lịch sử; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao sinh kế của người dân.

Thực hiện hoàn thành các mục tiêu dự án, Đề án, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt các quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng như vai trò, giá trị quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, giảm thiểu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Cao Bằng cũng chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chú trọng nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích, đồng quản lý trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận giữa chủ rừng và các đối tượng tham gia quản lý; kêu gọi thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng với công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.      

Minh Yến