Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm sau thời gian dịch bệnh, hội nghị kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa 2 tỉnh Cao Bằng và Lâm Đồng vừa diễn ra nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh với nhau.

Lãnh đạo Sở Công Thương hai tỉnh đã thống nhất cùng xúc tiến, vận động doanh nghiệp hai tỉnh triển khai hợp tác về lĩnh vực khuyến công  và xúc tiến thương mại; tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực  là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Đại diện doanh nghiệp hai tỉnh trao đổi, giới thiệu thông tin năng lực sản xuất, nhu cầu kết nối giao thương về nông sản và các sản phẩm thế mạnh của địa phương về sản phẩm và khả năng cung ứng của đơn vị, đẩy mạnh kết nối thông tin, mở rộng thị trường và tiêu thụ sản phẩm vào các hệ thống nhà phân phối, siêu thị, điểm bán hàng OCOP, các đối tác mỗi địa phương.

W-anhhatde.png
Hạt dẻ Trùng Khánh, Cao Bằng

Tại hội nghị, hơn 23 doanh nghiệp, hợp tác xã 2 tỉnh: Cao Bằng, Lâm Đồng trưng bày, giới thiệu 41 sản phẩm của địa phương gồm: lạp sườn, thạch đen, bún khô, gạo nếp, bánh khảo, hạt dẻ, nấm hương, thịt hun khói, trà Ô Long, bánh tráng nướng đặc sản, quả mắc ca, nước ép các loại, rau củ quả sấy…

Nhân dịp này, Sở Công Thương và 6 doanh nghiệp 2 tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, liên kết, phân phối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa 2 địa phương cùng xúc tiến, vận động doanh nghiệp 2 tỉnh triển khai đẩy mạnh và mở rộng hợp tác về lĩnh vực khuyến công, xúc tiến thương mại; tăng cường thông tin trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ cùng phát triển.

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và Lâm Đồng đã quan tâm triển khai hiệu quả cuộc vận động đưa hàng địa phương quảng bá tới các vùng miền, với những hoạt động thiết thực như: đưa hàng Việt về nông thôn, vào nhà máy, mở các cửa hàng, điểm bán hàng Việt; triển khai tốt các chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đặc trưng của vùng miền… Trong đó, điểm nổi bật là các địa phương rất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trong sản xuất, phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt, nông sản thế mạnh của địa phương.

Cụ thể, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường luôn được quan tâm. Tiêu biểu như các chương trình tổ chức các chuyến hàng Việt về nhà máy và khu công nghiệp; xây dựng các điểm bán hàng Việt theo hướng trưng bày hàng hóa văn minh, hiện đại như các siêu thị mini về tận các xã; thực hiện các chương trình khuyến mại hàng Việt theo chương trình hoặc vào các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, địa phương đã hỗ trợ các doanh nghiệp lập hồ sơ chứng nhận mã nhà đóng gói trái cây xuất khẩu; được cấp chứng nhận mã số vùng trồng, tham gia nhiều chương trình kết nối, xúc tiến thương mại cho nông sản, sản phẩm OCOP tại thành phố, trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Ngọc Minh và nhóm PV, BTV