Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo. Trước đó, vào ngày 19/8/2019, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt bị cáo Vi Văn Phượng án tử hình tội Giết người. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926), mẹ đẻ của bị cáo Phượng.
Theo cáo buộc khi đó, bà Vui bị mù lòa và sống chung với gia đình Vi Văn Phượng. Năm 2009, bị cáo và vợ vay 1,5 chỉ vàng của bà Vui để cho con trai đi xuất khẩu lao động. Tháng 8/2011, con về nước trước thời hạn, ông Phượng chưa trả nợ được cho mẹ.
Năm 2011, bị cáo tiếp tục vay tiền của một số người thân quen và ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Nam để cho vợ là chị Nguyễn Thị Mai đi xuất khẩu lao động.
4 người con lớn của ông Phượng đi làm ăn và đi học xa nên ở nhà chỉ còn bị cáo, người mẹ mù lòa cùng đứa con trai út. Từ tháng 7/2012, bà Vui nhiều lần đòi con trả nợ, nhưng ông Phượng chưa trả được.
Tháng 9/2012, vợ của bị cáo gửi tiền về để trả nợ cho mọi người. Bà Vui biết được việc này nên đã nhiều lần đòi nợ con trai. Cáo buộc cho rằng, tiền vợ gửi về còn chưa đủ trả nợ người khác, trong khi mẹ đòi vàng, điều này khiến ông Phượng bức xúc.
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lại phải chăm sóc mẹ đẻ bị mù lòa nhiều năm và bị bà Vui đòi nợ vàng nên bị cáo Vi Văn Phượng đã nảy sinh ý định giết mẹ.
Khoảng 11h ngày 5/10/2012, sau khi ăn cơm tại nhà người quen, ông Phượng về nhà. Thấy mẹ nằm trên giường, bị cáo lấy dao quắm để ở góc phòng, chém nhiều nhát vào cổ, vai bà Vui làm nạn nhân bị chết.
Liên tục kêu oan
Thời điểm tháng 4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình bị cáo Vi Văn Phượng vì tội “Giết người”. 4 ngày sau, ông Phượng kháng cáo kêu oan. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm.
Sau đó, Viện trưởng VKSND Tối cao đã kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm ngày 28/8/2013 của TAND tối cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm.
Ngày 7/11/2016, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
Theo VKSND Tối cao, động cơ giết mẹ của bị cáo là chưa thuyết phục vì bị cáo được hàng xóm, bạn bè đánh giá là sống tình cảm, có hiếu với mẹ.
Mặc dù bà Vui bị mù lòa nhiều năm nhưng Phượng vẫn chăm sóc mẹ già, không ngược đãi. Việc vay vàng bị cáo đã trả cho mẹ trước ngày bà Vui chết. Cần phải làm rõ hơn động cơ, mục đích gây án của bị cáo...
Đưa vụ án ra xét xử ngày 19/8/2019, thêm một lần nữa, bị cáo Vi Văn Phượng không thừa nhận hành vi giết mẹ. Song HĐXX nhận thấy, động cơ gây án của bị cáo là do nợ nần nên tuyên án tử hình đối với Vi Văn Phượng.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, HĐXX triệu tập gần 20 nhân chứng, trong đó có 2 phạm nhân có thời gian giam giữ cùng bị cáo Phượng để đối chất tại tòa. 3 nhân chứng vắng mặt, đều là người dân sinh sống cùng làng với bị cáo Phượng.
Tại tòa, luật sư Đinh Anh Tuấn, người bào chữa cho bị cáo Phượng cho rằng, vụ án đã kéo dài nhiều năm, trải qua nhiều phiên xét xử, để đảm bảo khách quan, đề nghị triệu tập giám định viên của Bộ công an do liên quan đến nhiều kết quả giám định về tồn dư thức ăn trong dạ dày bà Vui lúc đã tử vong.
Theo luật sư, đây là yếu tố có tính quyết định trong việc xác định thời gian chết của nạn nhân, là “căn cứ gỡ tội cho bị cáo”.
Luật sư cho rằng, cần làm rõ cơ chế hình thành vết thương sau gáy nạn nhân, bởi vết thương của nạn nhân không phù hợp lời khai báo theo hướng nhận tội ở giai đoạn điều tra của bị cáo.
Đồng bào chữa cho bị cáo, luật sư Trần Văn An đề nghị triệu tập 3 điều tra viên trong giai đoạn 1 của vụ án, trước khi có quyết định Giám đốc thẩm năm 2016 và 1 điều tra viên của giai đoạn 2.
Các luật sư còn đề nghị triệu tập kiểm sát viên và vị chủ tọa của phiên xét xử sơ thẩm năm 2019 với lý do, những kiến nghị của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không được cấp sơ thẩm thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ.
Theo đại diện VKS Cấp cao tại Hà Nội, đây là vụ án phức tạp, kéo dài và bị cáo kêu oan nên việc nhân chứng vắng mặt sẽ chưa đủ điều kiện để tiếp tục phiên tòa.
Người giữ quyền công tố đề nghị hoãn tòa và phải “áp dụng triệt để mọi biện pháp” để triệu tập các cá nhân liên quan, kể cả điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên đến tòa như đề nghị của luật sư.
Sau hội ý, chủ tọa Ngô Tự Học quyết định hoãn phiên xử và cho biết, sẽ cân nhắc các kiến nghị của luật sư và đại diện VKS về việc triệu tập các cá nhân liên quan.