Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngay sau khi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, các bộ, ngành và địa phương trong vùng Tây Nguyên đã tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt, tăng cường nhận thức về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, chủ trương chính sách, vai trò, vị trí chiến lược của vùng, nhất là về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và quốc phòng, an ninh. Từ đó, đổi mới về tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và vùng.

dalat
Đà Lạt nhìn từ trên cao

Tại Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường, 23 nhiệm vụ và 09 dự án quan trọng, liên kết vùng cần thực hiện đến năm 2030. Đến nay, đã hoàn thành 10/23 nhiệm vụ; các nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan triển khai theo tiến độ. Về danh mục dự án quan trọng, liên kết vùng: đã khởi công và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ 01 dự án quan trọng quốc gia (tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và 05 dự án trọng điểm, liên kết vùng; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 02 dự án và nghiên cứu phương thức đầu tư 04 dự án để triển khai đầu tư các dự án còn lại.

Qua hơn 1 năm triển khai, kết quả thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường của vùng năm 2023 đạt kết quả còn khiêm tốn so với cả nước, nhưng các chỉ tiêu quan trọng đều tăng so với các năm trước.

Về hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, trong đó có các công trình đường bộ quan trọng của Vùng được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù.

Về rà soát và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng, báo cáo nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng xây dựng báo cáo rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên cho một số lĩnh vực thiết yếu và đề nghị các Bộ có ý kiến về các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù vùng và có văn bản lấy ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương trong Vùng. Sau khi tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, tạo đột phá trong phát triển nhằm khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thể của vùng Tây Nguyên đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực trạng phát triển của Vùng để đạt mục tiêu phát triển kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Việc rà soát xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vùng theo nguyên tắc như cơ chế, chính sách phải phù hợp với từng cấp có thẩm quyền, phát huy trong thực tiễn, có hiệu lực, hiệu quả nhưng không phá vỡ các quy định của pháp luật; Các chính sách thí điểm đã rõ, phát huy tác dụng trong thực tiễn thì cần nghiên cứu đề xuất mở rộng phạm vi cho áp dụng chung; Các cơ chế, chính sách phân cấp, phân quyền được ưu tiên thực hiện; Một số địa phương có ý kiến chỉ đạo thì nghiên cứu, lồng ghép các chính sách địa phương vào chính sách của Vùng; Các chính sách đề xuất nhưng đã có kế hoạch ban hành hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong các năm 2024-2025 thì không đưa vào thí điểm.

Tại Hội nghị, lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW. Các ý kiến bày cho rằng, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng ngày càng được nâng cao; nhiều điểm nghẽn đối với phát triển dần được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng đang được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; Tư duy về liên kết vùng dần được đổi mới, đã hình thành cơ chế điều phối vùng; ban hành hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội để đề ra các cơ chế, chính sách phù hợp đối với vùng; Các đề án, nhiệm vụ đang triển khai hoặc đã có kết quả cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của Vùng như: Đã khởi công một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng; ban hành và triển khai nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá cần thiết cho vùng. Đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Nguồn vốn ngân sách nhà nước đã tập trung đầu tư, nhất là nghiên cứu đầu xây dựng tư hạ tầng giao thông, đường cao tốc, sân bay cho hạ tầng vùng; Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương trong vùng được giữ vững ổn định.

Công tác đối ngoại được quan tâm, mở rộng cả về đối tác và nội dung hợp tác, trong đó chú trọng đối ngoại kinh tế, xúc tiến thu hút đầu tư; Kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định đã chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu, phát triển kinh tế chưa có nhiều chuyển biến, chưa có tính đột phá; hệ thống thông tin kết nối chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đời sống, thu nhập của người dân trong vùng còn nhiều khó khăn, chậm được cải thiện.

Trên cơ sở các ý kiến được nêu, đại diện các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải,… đã đóng góp các ý kiến cũng như làm rõ hơn các ý kiến được các địa phương nêu. Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các ý kiến, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù để Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định.