Lần đầu tiên cấp mã số vùng trồng rừng
Mới đây, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang trao chứng nhận mã số vùng trồng rừng nguyên liệu cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn.
Mã số trồng rừng được cấp có diện tích 1ha, trồng thuần keo lai từ năm 2022, thuộc vùng trồng rừng nguyên liệu ở xã Đạo Viện (Yên Sơn, Tuyên Quang). Đi kèm với mã số này có chi tiết về tọa độ vùng trồng được xác định chính xác, diện tích và hiện trạng rừng trồng...
Đây cũng là mã số vùng trồng rừng đầu tiên cấp cho chủ rừng ở nước ta, thuộc khuôn khổ chương trình được Bộ NN-PTNT thí điểm tại 5 tỉnh gồm: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái.
Riêng tại tỉnh Tuyên Quang, đến cuối tháng 10 năm nay, diện tích rừng trồng được các chủ rừng trong chương trình đăng ký quyền sử dụng đất để cấp mã số lên tới 3.500ha.
Theo bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, cấp mã số vùng trồng rừng góp phần minh bạch hóa thông tin, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Nền tảng công nghệ cho việc cấp mã số vùng trồng rừng là hệ thống iTwood - công cụ hỗ trợ quản lý chuỗi cung gỗ theo thời gian thực. Theo đó, ở mỗi khâu trong quy trình tạo lập hồ sơ sẽ được cấp 1 mã QR code, đảm bảo dòng chảy thông tin liên tục về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu từ khâu trồng rừng, khai thác cho đến khâu thương mại hoá gỗ và sản phẩm gỗ trên thị trường.
Đáng chú ý, nhờ sử dụng mô hình điện toán đám mây, iTwood sẽ hỗ trợ người sử dụng truy xuất nguồn gốc gỗ nhanh chóng.
Chương trình cấp mã số vùng trồng rừng được mở rộng ra các tỉnh Cà Mau, Đồng Nai, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Trị. Hệ thống iTwood đã tạo lập được cơ sở dữ liệu đầu vào cho ngành gỗ trên cả nước, góp phần minh bạch và phát triển giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm gỗ.
Đến nay, diện tích đăng ký cấp mã số vùng trồng của 10 tỉnh lên đến 67.000ha.
Sẽ cấp mã số vùng cho toàn bộ diện tích rừng trồng
Diện tích rừng trồng của nước ta hiện nay có trên 4,57 triệu ha. Do đó, số hóa vùng trồng rừng gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu cho các chủ rừng trên phạm vi toàn quốc là bước tiến quan trọng của ngành lâm nghiệp.
Ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng, khi mã số vùng trồng rừng theo lô gỗ đi vào chuỗi cung, việc tổ chức và phát triển chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc sẽ thuận lợi hơn, chi phí ít hơn. Đồng thời, tạo nền tảng số hóa cơ sở dữ liệu sản xuất, kinh doanh rừng trồng, kết nối mạnh mẽ với thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Việc cấp mã số vùng trồng rừng cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Ở nước ta, cấp mã số vùng trồng cho cây nông nghiệp đã triển khai theo Luật Trồng trọt 2018 và Quyết định số 3156 ngày 19/8/2022. Nhờ đó, nhiều nông sản, đặc biệt là trái cây được cấp mã số vùng trồng đã đáp ứng được quy chuẩn của các thị trường lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu những năm gần đây. Quan trọng hơn, khi đầu ra ổn định, thu nhập của người nông dân cũng tăng cao và bền vững.
Những năm gần đây, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn. Đơn cử, thị trường Mỹ quy định nghiêm ngặt về gỗ bất hợp pháp; thị trường EU triển khai xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp VNTLAS và mới đây là Quy định chống phá rừng (EUDR).
Ngoài ra, các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc gỗ.
Thế nên, trong lâm nghiệp, mã số vùng trồng không chỉ đáp ứng yêu cầu yêu cầu trên mà còn là đầu vào quan trọng cho cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam triển khai thí điểm cấp mã số vùng trồng thí điểm trong 24 tháng. Từ năm 2026 trở đi, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng được triển khai trên phạm vi cả nước, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý toàn bộ tài nguyên rừng của Việt Nam.
Hà Giang