Mấy ai biết chị em Phương Hà – Phương Ninh ở Bãi Cháy, Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh từng là cặp sinh đôi dính nhau khi chào đời. 16 năm trước, hai chị em đã trải qua một ca phẫu thuật nhớ đời để có được cuộc sống như hôm nay.


Hà – Ninh trong lần về Hà Nội kiểm tra sức khoẻ.

Đến nay, các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã tách thành công năm cặp song sinh dính liền. Có cặp may mắn còn cả hai, có cặp chỉ còn một. Cặp song sinh dính nhau được bệnh viện Nhi Trung ương mổ tách đầu tiên (năm 1996) nay đã là hai thiếu nữ khoẻ mạnh, xinh xắn: chính là chị em Nguyễn Thị Phương Hà – Nguyễn Thị Phương Ninh.

Ca sinh nhớ đời

16 năm trước, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng từng ngày mong chờ đứa con đầu lòng ra đời mà không hay biết đó là cặp song sinh. Đến khi vợ anh Bằng lên bàn đẻ, cả nhà vẫn nghĩ là thai đơn vì siêu âm, thăm khám trước đó, bác sĩ đều nói như vậy. Thậm chí, các bác sĩ ở bệnh viện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh còn định dùng biện pháp sinh thường cho vợ anh Bằng. Tuy nhiên vì đây là ca khó, các cơn đau của sản phụ dồn dập mà cái thai “cứng đầu” không chịu chui ra, nên cuối cùng bác sĩ quyết định mổ.

Bà Nguyễn Thị La, cô ruột của Hà – Ninh, người đưa hai cháu lên Hà Nội kiểm tra sức khoẻ sau 16 năm mổ tách, nhớ lại: “Cả nhà lo lắng vì ca sinh khó. Tin từ phòng mổ báo ra, ca sinh thành công: một cặp bé gái song sinh. Niềm hạnh phúc chưa kịp hưởng trọn thì nỗi lo lại đến: hai bé dính liền nhau. Mọi thành viên trong nhà nhìn nhau lo lắng, chỉ còn biết trông vào số phận. Sau đó, các bác sĩ quyết định chuyển ngay hai bé lên bệnh viện Nhi Trung ương”.

Vừa chào đời, hai bé phải vượt gần 200 cây số từ Quảng Ninh về Hà Nội. GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, một trong những người tham gia kíp phẫu thuật năm đó, nhớ lại: “Rất may, hai bé chỉ dính nhau phần da từ xương ức xuống rốn. Các cháu dính nhau phần mềm, cơ mà không chung bất cứ bộ phận nào. Sau này, chúng tôi còn thực hiện nhiều ca phức tạp hơn. Tuy nhiên, phải so sánh điều kiện lúc đó với bây giờ. Đây là ca tách đầu tiên bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nên kinh nghiệm chưa có. Ca tách do toàn bộ bác sĩ của bệnh viện thực hiện. Ngay từ khâu chuẩn bị, gây mê đến đặt ống thở cho hai bé cùng lúc được bàn tính rất kỹ. Chỉ một sai sót cũng sẽ để lại tâm lý không tốt cho những ca phẫu thuật sau này”. Ca tách diễn ra trong gần sáu giờ đồng hồ. Các bộ phận dính nhau được các bác sĩ bóc tách cẩn thận, từng bước. “Thật may mắn, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp”, GS Liêm chia sẻ.

Hạnh phúc nhân đôi

Sau ca phẫu thuật, anh Bằng đặt tên cho hai cô con gái của mình là Hà và Ninh để ghi nhớ hai địa danh Hà Nội, Quảng Ninh. Trở về với gia đình, chị em Hà – Ninh được cả nhà chăm sóc rất cẩn thận. Hai chị em lớn nhanh, ít đau ốm. Tuy nhiên, khi hai bé hơn tuổi thì bố mẹ chia tay nhau. Hà, Ninh ở lại với bố trong vòng tay chăm sóc của ông bà nội và bố. “Dường như trời thương, từ nhỏ đến giờ hai đứa chẳng ốm đau nặng, thi thoảng hắt hơi, sổ mũi thôi. Dù sống thiếu mẹ nhưng hai chị em rất ngoan”, bà La nói. Kết quả của lần kiểm tra sức khoẻ tổng thể đầu tiên sau 16 năm tách nhau này thật đáng mừng: mọi chỉ số đều bình thường. Thận bên trái của Hà ở vị trí thấp hơn bình thường nhưng không ảnh hưởng đến chức năng thận.

Giờ đây, Hà – Ninh đã là hai học sinh chăm ngoan của trường cấp 3 Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh. Bà nội đã hơn 70 tuổi, mắt kém, đôi lúc phải phân biệt hai cháu gái láu lỉnh của mình bằng cách xem vết mổ ở bụng: chị Hà có rốn, còn em Ninh thì… không. Cả hai chị em đều ngoan ngoãn, học giỏi và mong muốn thi khối D vào một trường đại học sau hai năm nữa.

Thai phụ cần được theo dõi để phát hiện bất thường

GS.TS.BS Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc bệnh viện Nhi trung ương cho biết: “Các cặp song sinh dính nhau không liên quan đến yếu tố di truyền mà do sự phân chia phôi muộn sau ngày thứ 13, trong khi bình thường việc phân chia rơi vào trước thời điểm đó. Có thể là sinh đôi cùng trứng hoặc hai phôi phát triển có phần chung nhau dây rốn bánh nhau, nhưng thông thường thai sinh đôi cùng trứng dính nhau nhiều hơn và thường dính ở các bộ phận quan trọng như đầu, ngực... Ngày nay, với sự phát triển của y học, bằng phương pháp siêu âm có thể phát hiện song sinh bất thường từ sớm. Tuy nhiên, việc phát hiện phụ thuộc nhiều vào máy móc và trình độ bác sĩ. Khi phát hiện thai bất thường, biện pháp tốt nhất là đình chỉ thai. Để phòng tránh, các bà mẹ cần có sức khoẻ tốt, quá trình mang thai được theo dõi cẩn thận”.

(Theo SGTT)