Thị trấn “ngủ quên trên mỏ vàng”
Mặc dù sở hữu lợi thế “rừng vàng” Hoàng Liên Sơn, “núi bạc” Fansipan cộng với khí hậu lý tưởng, thế nhưng du lịch Sa Pa trong nhiều thập kỷ trước không thể phát triển đúng với tiềm năng.
Hà Văn Thuận, chủ một cơ sở lưu trú đã có hơn 15 năm kinh doanh tại Sa Pa vẫn chưa thể quên được giai đoạn dò dẫm đầu tiên. Năm 2006, từ Yên Bái, Thuận quyết định lên Sa Pa lập nghiệp với hy vọng thoát nghèo. Thế nhưng, ấn tượng đầu tiên của mảnh đất này với Thuận là “thực sự hoang sơ”, khi hai bên đường kéo dài suốt từ Lào Cai chỉ toàn cỏ dại. Lên tới thị trấn, nhà cửa còn rất thưa thớt.
Thị trấn Sa Pa những ngày xưa cũ |
“Giai đoạn đầu, tôi còn không muốn ở lại vì heo hút quá. Khách lúc đó chủ yếu là Tây. Họ đến và có thể ở trên bản cả tháng trời. Vì vậy, dịch vụ lưu trú cũng như ăn uống tại thị trấn không có cơ hội phát triển. Lúc đó, thực sự tôi không nhìn thấy nhiều kỳ vọng”, Thuận nhớ lại.
Giàng A Sài, với 38 năm sống tại Sa Pa kể về những ngày “lặng lẽ”: “Ngày trước, 7-8 người dắt tay nhau giăng ngang con đường giữa thị trấn cũng được vì vắng vẻ. Người dân tộc chúng tôi mấy chục năm về trước chỉ biết trồng lúa, ngô chứ không ai làm du lịch”.
Hoạt động du lịch tại Sa Pa trước kia chủ yếu là khám phá thiên nhiên hoang dã và trải nghiệm đời sống các dân tộc địa phương |
Theo số liệu thống kê, cho tới tận năm 2013, lượng du khách tới Sa Pa chỉ đạt mức 720.000 lượt/năm. Tiềm năng du lịch của rẻo đất cao nhất Đông Dương bị hạn chế bởi trở lực lớn từ cả giao thông lẫn hạ tầng. Ông Phạm Cao Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa thừa nhận: Những năm từ 1996, chỉ có mình ông làm du lịch với hình thức dẫn khách đi tour. Dịch vụ du lịch đơn điệu là thực trạng chung trong giai đoạn này. Hai hoạt động chính mà khách lựa chọn khi đó chỉ là khám phá thiên nhiên hoang dã và trải nghiệm đời sống các dân tộc địa phương rồi về, mức độ chi tiêu và cả thời gian lưu trú đều bị hạn chế. Sa Pa khi ấy như “ngủ quên trên mỏ vàng”.
Đổi đời nhờ cáp treo
Hơn 10 năm gắn bó với Sa Pa, Hà Văn Thuận cho hay: Sự đổi thay của huyện lỵ phía Tây Lào Cai gắn với 2 dấu mốc chính: Sự hình thành của cao tốc Nội Bài - Lào Cai và sự xuất hiện của cáp treo Fansipan.
“Nếu cao tốc Nội Bài - Lào Cai là tiền đề thì tuyến cáp treo 3 dây chính là cú hích để hoàn thiện bức tranh du lịch Sa Pa”, Thuận nhấn mạnh.
Theo Thuận, đường cao tốc giúp giải quyết bài toán về “lượng”, khi rút ngắn được khoảng cách và thời gian di chuyển, từ đó gia tăng đáng kể lượng khách du lịch; trong khi đó, cáp treo lại đưa ra lời giải về “chất”, khi nâng cao và làm thay đổi diện mạo Sa Pa.
Cáp treo Fansipan đưa ra lời giải về “chất” cho du lịch Sa Pa |
“Họ xây dựng cả một công trình kỳ vĩ nhưng dường như giữ nguyên được cảnh vật cũ. Cũng từ đây, Sa Pa cũng hoàn toàn thay đổi khi nhà cửa, đường xá được mở rộng ra thênh thang. Cứ như một giấc mơ vậy”, Thuận nói.
Điều quan trọng hơn, cáp treo giúp những người như Thuận có cơ hội đổi đời. Tổ hợp du lịch - giải trí Sun World Fansipan Legend đi vào hoạt động tiên phong cho cách làm du lịch chuyên nghiệp, bài bản đồng thời thu hút một lượng du khách lớn tới Sa Pa. Tính riêng năm 2016, khách du lịch tới Sa Pa đã vượt qua con số 1 triệu lượt và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng ở mức trên 20% các năm sau đó. Lượng khách lớn, ổn định trong đó có dòng khách chất lượng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, lưu trú lâu hơn đã khiến Thuận quyết tâm đầu tư mạnh vào du lịch để đón đầu. Nhờ nắm bắt được cơ hội, tới nay, anh đã trở thành ông chủ của cơ sở Asimo với 35 bồn tắm lá thuốc Dao Đỏ và 12 nhân viên người bản địa.
Nhiều người dân bản địa đã tìm được việc làm ổn định, thu nhập khá tại Sun World Fansipan Legend |
Nhìn nhận trên góc độ của người dân được “hưởng lợi” từ cáp treo, Giàng A Sài khẳng định sự thay đổi là “không thể tin được”. Nếu như trước đây người dân trong bản của Sài chỉ biết làm nông, trồng lúa thì hiện tại, đa phần đã chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch. Một số lượng không nhỏ bà con tìm được việc làm ổn định, thu nhập khá tại các khách sạn, nhà hàng hay các khu du lịch như Sun World Fansipan Legend.
Đặc biệt, sự chuyển mình của du lịch Sa Pa đã mang đến những đổi thay quan trọng trong tư duy của lớp thanh niên trẻ tại địa phương. Họ đã biết đầu tư cho học hành, kiến thức để “đổi đời”. “Có những em làm hướng dẫn viên rồi tập hợp thành công ty và thành công lắm”, A Sài nói.
Bên cạnh đó, yếu tố truyền thống của người bản địa cũng được giữ gìn và phát huy. Ông Giàng Seo Gà, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Sa Pa cho hay: “Điều đáng quý nhất là Sun World Fansipan Legend đã đưa văn hóa bản địa vào các hoạt động du lịch rất hợp lý nhằm thu hút du khách tới nhiều hơn. Ví dụ như với giải đua Vó ngựa trên mây hay show diễn nghệ thuật Vũ điệu trên mây, họ đã sân khấu hóa nghệ thuật dân gian và đưa các yếu tố văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới. Đây là hướng đi theo tôi là đúng và sẽ phát triển tốt”.
Show diễn nghệ thuật Vũ điệu trên mây tại Sun World Fansipan Legend |
Nhìn nhận rộng hơn, ông cho rằng: Từ khi cáp treo xuất hiện, Sa Pa đã được “nâng cấp đến 50% so với trước kia” bởi “có cáp treo, khách đến nhiều hơn, các dịch vụ khác từ đó cũng phát triển theo”.
Đánh giá trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa, ông Phạm Cao Vỹ khẳng định: Ngành công nghiệp xanh của địa phương này đã "lột xác và khởi sắc" chỉ sau 5 năm khi cáp treo Fansipan ra đời. Không chỉ góp phần giúp du lịch Sa Pa thăng hạng trên bản đồ du lịch Việt với lượng du khách tăng cao hàng năm - Sun World Fansipan Legend còn được vinh danh quốc tế với những giải thưởng danh giá như "Điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu thế giới" (2019, 2020) và "Điểm du lịch có thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới"(2020) do World Travel Awards trao tặng.
Doãn Phong