- "Theo tôi, những dự báo rủi ro có thể xảy ra khi xây dựng dựng cáp treo vào Sơn Đoòng sẽ là những ý kiến góp ý quý báu cho nhà đầu tư để họ có thể đưa vào dự án của mình những phương án tối ưu đảm bảo được mục đích bảo tồn và phát triển", GS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nói.

Không phản đối cáp treo nhưng...

Việc UBND tỉnh Quảng Bình tiết lộ thông tin tập đoàn Sungroup sẽ có dự án khảo sát Phong Nha - Kẻ Bàng để tương lai có thể sẽ có tuyến cáp treo vào gần cửa hang Sơn Đoòng hiện đang thu hút đông đảo quan tâm của dư luận. Dự án được đánh giá tạo việc làm hàng nghìn lao động địa phương. Theo tỉnh Quảng Bình, sẽ có nhiều người dân được ít nhất một lần đặt chân đến động Sơn Đoòng hơn, thay vì một số lượng người hạn chế bởi phương án khai thác hiện nay, vốn rất ngặt nghèo về tài chính, sức khỏe, thời gian.

Theo quy định, sau khi có kết quả khảo sát, chủ đầu tư mới lập dự án cụ thể căn cứ vào quá trình khảo sát. UBND tỉnh Quảng Bình sau đó phải xin ý kiến của công chúng và các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO,...Thế nhưng, dù mới chỉ ở khâu khảo sát, rất nhiều chuyên gia di sản quan tâm đã lên tiếng.

Tại buổi tọa đàm “Thách thức bảo tồn từ các dự án phát triển”, do Trung tâm bảo vệ con người và thiên nhiên tổ chức ngày 14/11, PGS.TS Tạ Hòa Phương – Chủ nhiệm Bộ môn Địa chất lịch sử, khoa Địa Chất, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội phát biểu: “Tôi không phản đối xây dựng cáp treo nhưng việc nếu đưa cáp treo vào vùng lõi thì tôi không nhất trí”. Cùng quan điểm, GS.TSKH Vũ Quang Côn - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho rằng, Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm nóng của đa dạng sinh học của thế giới chứ không chỉ riêng của Việt Nam. Với giá trị lớn như vậy, chúng ta cần phải nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn.

{keywords} 

Theo ông Côn, việc mở đường chuyển vật liệu, mở đèn, tiếng động có thể sẽ tác động đến quần thể sinh học trong đó có động vật. Xây dựng xong sẽ có nhiều người tham quan, vì vậy, có thể gây ra những tác động tới môi trường sống của những loài hoang dã trong quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng. Thêm vào đó là lo ngại về ô nhiễm môi trường. "Vẫn biết rằng quần thể hang là quý, người dân phải được chiêm ngưỡng cái quý của quốc gia nhưng có phải ai chiêm ngưỡng mà không bật đèn sáng, không hướng dẫn cũng hiểu được đâu. Tôi không có ý coi thường dân chúng nhưng tốt nhất những hang động như thế này chỉ nên cho các chuyên gia nghiên cứu, cho các nhà thám hiểm muốn trải nghiệm, khám phá. Ý tưởng dự án rất hay, dự án có thể thực hiện nhưng dự án sẽ không bao giờ được phê duyệt nếu nó không đảm bảo đúng quy trình của Luật di sản, Luật môi trường, Luật bảo vệ dừng, Công ước quốc tế", ông Côn chốt lại.

Phải hy sinh một phần môi trường

TS. Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay chưa có căn cứ gì để Hội đánh giá tác động môi trường của dự án đối với di sản. Đối tượng bị tác động bởi dự án cũng còn lơ mơ. Tuy nhiên, muốn dự án không ảnh hưởng tới môi trường thì khó khả thi. “Muốn phát triển bền vừng thì bảo đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo vấn đề công bằng xã hội, đảm bảo vấn đề môi trường thì đôi lúc môi trường phải chịu hy sinh một chút ở mức cho phép chứ tuyệt đối không động tới cái gì thì không phát triển được. Đã động tới môi trường là ảnh hưởng nhưng quan trọng là biện pháp xử lý làm sao khắc phục được các tác động đến mức cho phép”, ông Kinh khẳng định.

Ở góc độ làm du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, cáp treo không có tội và cần được nhân rộng để phát triển cả du lịch và cuộc sống. Tuy nhiên phải đảm bảo hiệu quả và không tổn hại môi trường. Những việc nhỏ cần làm ngay ở các dự án cáp treo hàng ngàn tỷ hiện nay là nhà vệ sinh tối thiểu cho du khách.

Hơn 20 năm làm quản lý, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, đã phải rất ‘rắn mặt’ để có thể cân bằng được bài toán bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, theo TS Bài, cuộc tọa đàm nhấn mạnh về những dự báo rủi ro có thể xảy ra khi xây dựng dựng cáp treo vào Sơn Đoòng sẽ là những ý kiến góp ý quý báu cho nhà đầu tư để họ có thể đưa vào dự án của mình những phương án tối ưu đảm bảo được mục đích bảo tồn và phát triển.

“Đây mới là dự án ở bước khảo sát, mà có luật nào cấm khảo sát đâu nên chúng ta không nên vội cản trở mà cần xem kỹ rồi đưa ra lời khuyên, tư vấn mang tính tích cực. Thể hiện tình yêu di sản là chúng ta nói hết những rủi ro với tư cách là cảnh báo chứ không phải phản bác để hy vọng nhà đầu tư có thể đưa ra những dự án thỏa mãn các ý kiến của các chuyên gia. Thời điểm này, dự án chưa có cái gì cụ thể thì tôi cũng chưa thể đưa ra ý kiến có hay không đồng tình cả. Nhiệm vụ của tôi là tạo lập được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển chứ không vì bảo tồn mà cấm phát triển hay vì phát triển mà quên đi bảo tồn”, ông Bài phát biểu.

“Chúng ta nên góp ý tế nhị, nhẹ nhàng để làm sao giữ được di sản Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng vẫn phát huy được giá trị của nó để tháng 7 tới đây UNESCO sẽ công nhận thêm lần về đa dạng sinh học của di sản này chứ cứ ồn ào như thời gian vừa qua tôi e là sẽ rất khó”, ông Bài băn khoăn.

Hoàng Ngọc