Sau bài viết "Cặp vợ chồng ôm nhiều tỷ rời đi, người dân thị trấn ở Thái Bình hoảng hốt cầu cứu" đăng tải, báo VietNamNet có cuộc trao đổi với Trung tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Cục truyền thông CAND, Bộ Công an) xoay quanh hoạt động giao dịch cho vay nợ hiện nay. 

Cụ thể, vào giai đoạn từ năm 2016-2019, hai vợ chồng ông Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Thị Nhẹ (trú Tổ 13, thị trấn An Bài) có vay tiền số tiền lớn của hàng chục người dân trên địa bàn. 

Hàng chục hộ dân ở Thái Bình kêu cứu vì chủ nợ rời đi khỏi địa phương

Giấy vay nợ được viết tay, ghi lại thời gian và số tiền giao dịch rồi người vay ký tên. Theo thống kê sơ bộ, số tiền mà các hộ dân cho cặp vợ chồng này vay lên đến hàng chục tỷ đồng.  Người cho vay ít là 500 triệu đồng, người nhiều cho vay từ 2-3 tỷ đồng. 

Các hộ dân gửi đơn đến Công an huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), tuy nhiên, theo người dân, cơ quan công an từng có quyết định tạm đình chỉ xác minh vụ việc. Người dân vẫn thấp thỏm vì chưa nhận lại được tiền cho vay.  Trong khi đó, Công an thị trấn An Bài xác nhận vợ chồng ông Thành "không có mặt tại địa phương từ tháng 6/2020".

Dấu hiệu tội phạm rất rõ

Trung tá Đào Trung Hiếu nhận định, trong trường hợp đối tượng huy động vốn của nhiều người với những hứa hẹn trả lãi suất cao là một hình thức huy động vốn trái phép.  

Trong trường hợp, nếu sau khi huy động vốn xong, đối tượng rời khỏi nơi cư trú nhằm chiếm đoạt số tiền đã huy động được của người dân thì đây là hành vi có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Đặc trưng của hành vi bội tín là vi phạm cam kết.

Theo ông Hiếu, việc huy động vốn rồi hứa hẹn trả lãi suất cao sau đó bỏ trốn trước đây xảy ra nhiều. Cơ quan điều tra cần chứng minh có hay không có giao dịch cho vay tiền thông qua việc thu thập các tài liệu chứng cứ, chứng minh đối tượng vay từng người với số tiền cụ thể kèm theo ngày tháng năm cụ thể.

Trung tá Đào Trung Hiếu. Ảnh: QT

Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh, việc xác minh đối tượng vắng mặt tại nơi cư trú là bỏ trốn hay là các lý do khác. Nếu như đối tượng vắng mặt khỏi nơi cư trú nhưng không phải là bỏ trốn mà có thể họ có lý do chính đáng buộc người ta phải vắng mặt thì chưa cấu thành tội phạm.

"Trong trường hợp xác minh về đối tượng vay tiền và có dấu hiệu bỏ trốn rõ ràng, ví dụ như không ai liên lạc được, không có bất cứ thông tin gì, ngắt tất cả các kết nối, không ai tìm thấy, tức là có hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Còn trong trường hợp đối tượng đưa ra một dự án nào đó để huy động vốn của người dân thì đây có dấu hiệu lừa đảo", ông Hiếu nói.

Phân tích cụ thể hơn về ranh giới giữa hai tội danh trên, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu cho biết:  Hành vi lừa đảo có trước khi giao dịch cho vay tiền, nhưng lạm dụng  tín nhiệm là trong quá trình vay tiền một cách hợp pháp nhưng nảy sinh lòng tham muốn chiếm đoạt số tiền đã vay để trốn trách nhiệm trả nợ thì "cơ quan điều tra cần chứng minh theo hướng đó". 

Nhấn mạnh thêm về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng: Tội lạm dụng tín nhiệm, bước đầu việc chuyển dịch về tài sản diễn ra hợp pháp. Bản chất ban đầu là vay mượn tài sản bằng giao dịch dân sự.

"Trong quá trình đó nảy sinh ý định chiếm đoạt. Ví dụ, doanh nghiệp A ký hợp đồng mua sản phẩm của doanh nghiệp B, sau khi mua xong đến hạn phải thanh toán tiền hàng, nhưng vì muốn chiếm không số tiền đó tài sản đó, doanh nghiệp đổi trụ sở, trốn tránh thì xem xét đó là hành vi lạm dụng", lời ông Hiếu.

Ngoài ra, ông Hiếu cho biết, bản chất ban đầu của giao dịch cho vay tiền là quan hệ là dân sự, nhưng nảy sinh ý định chiếm đoạt bằng cách bỏ trốn, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp khiến đối tượng không trả được tiền cho người vay (ví dụ dùng đánh bạc, buôn ma túy...) dẫn đến việc mất khả năng thanh toán, hoặc có khả năng nhưng cố chây ỳ không trả thì đều có thể bị xử lý về tội lạm dụng. 

Theo ông Hiếu: "Ý định chiếm đoạt tài sản được thể hiện qua những hình thức gồm: Một là đối tượng bỏ trốn khỏi nơi cư trú để trốn tránh trả nợ. Hai là sử dụng tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không trả được nợ cho người cho vay. Ba là đối tượng có tài sản, có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ. Cơ quan điều tra cần có trách nhiệm chứng minh nó thuộc trường hợp nào do cơ quan thi hành tố tụng".

Đến hợp đồng miệng cũng được pháp luật thừa nhận

Theo ông Hiếu, từ trước đến nay, với chiêu bài huy động vốn trả lãi suất cao, rất nhiều đường dây tín dụng đen đã bị triệt phá, nhiều đường dây lớn bị sập, hậu quả đến đời sống dân sinh bị ảnh hưởng. Nhiều người tán gia bại sản vì đứng ra làm trung gian, mắt xích huy động vốn cho đối tượng vay để hưởng lợi chênh lệch. Khi đối tượng bỏ trốn thì người ở giữa mắc kẹt. 

"Theo tôi, đây là vụ việc có dấu hiệu tội phạm rất rõ, trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền thi hành tố tụng. Cơ quan điều tra cần tiếp tục xác minh, làm việc với đối tượng, ra thông báo tìm, xác minh, thông qua thân nhân gia đình địa phương để thông báo trở về địa phương để giải quyết công việc", ông Hiếu nói.

Cơ quan chức năng cho rằng "những người tố giác không cung cấp được tài liệu quan trọng"

Nếu trong trường hợp đối tượng thực sự bỏ trốn và tài liệu chứng cứ đủ, theo ông Hiếu, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể ra quyết định "khởi tố bị can, và ra quyết định truy nã".

Về việc các giấy vay tiền viết tay ký tên sơ sài, theo ông Hiếu, bản chất việc đó chỉ là hình thức, nhưng khi thỏa thuận giấy trắng mực đen viết như vậy hoàn toàn có căn cứ. Vì "thỏa thuận miệng cũng được pháp luật thừa nhận đó là một giao dịch hợp pháp". Việc cho vay mượn tài sản Bộ luật dân sự năm 2015 quy định rất rõ. 

Trở lại với câu chuyện ông Nguyễn Tiến Thành và bà Trần Thị Nhẹ rời khỏi địa phương, ông Hiếu cho rằng, muốn chứng minh được phải cần đến hoạt động xác minh của cơ quan công an.

"Cơ quan công an cần làm đến cùng rằng đối tượng bỏ đi đâu, làm gì, thông qua những thành viên khác trong gia đình thân nhân để xác minh. Sau đó sẽ ra thông báo truy tìm.  Khi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng yêu cầu đối tượng trở về mà không xuất hiện, lúc đó có chứng cứ xác định đối tượng bỏ trốn", chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu nói.

Đoàn Bổng