Sáng 26/11, Ban Trị sự Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ Thượng Lương cung Trúc Lâm Yên Tử - nơi sẽ là trung tâm Phật giáo lớn nhất của cả nước.

{keywords}
Thượng toạ Thích Thanh Quyết phát biểu tại buổi lễ

Công trình Cung Trúc Lâm được khởi công tháng 5/2017, với tổng dự toán gần 250 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: Tam Bảo, Khu Hành lễ, Hội trường, Bảo tàng...

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng toạ Thích Thanh Quyết nhấn mạnh, đây là công trình không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh mà còn là nơi giới thiệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi tổ chức Hội nghị, hội thảo giới thiệu về Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với những giá trị bất hủ về văn chương, con đường hành đạo của Tam Tổ Trúc Lâm từ Đông Yên Tử sang Tây Yên Tử. Công trình là điểm nhấn của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử.

Ghi nhận sự đóng góp lớn lao của GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, các cấp chính quyền tạo điều kiện cho Ban Trị sự PGVN tỉnh Quảng Ninh hoàn thành đúng tiến độ. Ông Chính cũng nhấn mạnh, đây là nơi hội tụ văn hoá dân tộc, phải xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo của cả nước, để Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Phát huy truyền thống 2.000 năm Phật giáo Việt Nam.

Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 11-2018, đúng vào dịp Kỷ niệm 710 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Năm 2014, UNESCO 'để mắt tới' Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử vì nó đã đạt các tiêu chí cho đề cử Di sản Văn hóa thế giới như:

Những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, thuyết phong thủy.

Hệ thống di tích trong khu Danh thắng Yên Tử, bao gồm hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ quý hiếm, đặc biệt là những bản kinh văn và các bản sách quý hiếm, chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt giữa một vùng đồi núi trập trùng.

Đặc biệt cuốn mộc bản “Thiền tông bản hạnh” hiện còn được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được Hội thảo bảo tồn di sản chữ Nôm (theo Vietnamese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight.ttf) và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Điểm khác biệt nữa của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là dùng cả chữ Hán và chữ Nôm, trong khi mộc bản của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chỉ dùng chữ Hán…

Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về sự tương tác giữa con người và môi trường cảnh quan thiên nhiên, truyền thống cư trú liên tục của con người, thể hiện qua việc những tín đồ đạo Phật từ hàng nghìn năm trước tới ngày nay, đã sử dụng vùng cảnh quan thiên nhiên Danh sơn Yên Tử linh thiêng, huyền bí để xây dựng và hình thành nên một “Trung tâm phật giáo” với sự hiện diện của một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng.

Phía Tây Yên Tử với diện tích rộng lớn, gồm nhiều thảm thực vật và đặc biệt là hàng loạt công trình kiến trúc, chùa chiền mang dấu ấn Phật giáo thời Lý – Trần, khu vực này cũng in đậm nhiều truyền thuyết liên quan tới Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, và sự giao thoa giữa văn hóa cung đình với đồng bào dân tộc thiểu số; giữa các quan lại, công chúa, cung tần, mỹ nữ triều đình với đồng bào dân tộc thiểu số của nước Đại Việt thời đó.

Địa danh Yên Tử từ ngàn xưa được biết đến và ca ngợi như “phúc địa”, bởi nơi đây có vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ, huyền bí của thiên nhiên, của cõi thiền xưa ẩn chứa những thông tin về con người và vùng đất thiêng nơi đây. So sánh với các di sản thế giới đã được công nhận như: Vịnh Hạ Long, Thị trấn Hiraizumi; Đồi hoàng gia ở Ambohimanga (Madagasca)… thì khu Danh thắng Yên Tử có đầy đủ tiêu chí trong việc bảo vệ tính nguyên vẹn của Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử. Chính quyền và nhân dân các Quảng Ninh và Bắc Giang đã xác định được bảo vệ môi trường, bảo tồn tính nguyên vẹn của khu Di sản là bảo vệ chính cuộc sống của thế hệ hôm nay và mai sau.

T.Lê