Cát Phượng, tên đầy đủ là Đỗ Như Cát Phượng, sinh năm 1970 trong một gia đình rất nghèo ở Bạc Liêu. Dù vậy, cô vẫn cha mẹ cho ăn đủ học đầy đến hết lớp 12. Học xong THPT, cô lân la theo cha lên Sài Gòn.

Bán máu kiếm sống vì không có việc làm

Tình cờ đọc báo thấy tuyển diễn viên điện ảnh hệ B (hệ đóng tiền học), Cát Phượng xin cha tiền đóng học phí nhưng học được hai tháng lớp học giải tán vì không ai có tiền đóng tiếp. Người bạn cùng lớp cô năm đó và đồng nghiệp cho đến bây giờ là đạo diễn Việt Trinh. Không có lớp học, Việt Trinh vẫn phất lên nổi tiếng còn Cát Phượng qua trường Sân khấu 2(hiện là trường Sân khấu Điện ảnh) học tiếp.

Năm 1990, Cát Phượng thi và đậu chính quy hệ A với tổng điểm cao ngất ngưởng, được nhận 70 nghìn tiền học của nhà trường hàng tháng - một con số không nhỏ thời điểm đó. Chủ nhiệm lớp là đạo diễn Trần Ngọc Giàu nhưng học 3 tháng, cô vẫn chưa biết mặt thầy vì ông mải đi dàn dựng, đạo diễn cho nhiều đoàn ở tỉnh. Đến khi thầy về Cát Phượng lại cúp học chạy show. 

{keywords}
Cát Phượng thời nổi loạn.

Sau đó, Cát Phượng bị nhà trường kỷ luật, không cho học tiếp vì lý do đi show quá nhiều, trong khi sinh viên trường sân khấu thời đó không ai được đi show. Muốn học tiếp, cô phải đóng học phí đến 400 nghìn/năm nhưng đó là con số không tưởng nên đành bỏ học. 

Rời trường, Cát Phượng tiếp tục nhận show quay phim, karaoke, thỉnh thoảng đóng vai quần chúng nhưng cô rất vui vì được đóng phim và có thêm tiền... mua mì gói. Đạo diễn nói, cô học trên phim trường từ các nhân viên của đoàn phim, các diễn viên rất nhiều. Chỉ từ nhìn mọi người diễn và học theo, vốn nghề cô tích lũy dày lên theo thời gian.

Có thời gian, Cát Phượng hoàn toàn không có việc làm, không ai mời show.

"Đói quá, tôi phải đi bán máu để mua 1 - 2 thùng mì gói để đó, sống hay chín cũng phải ăn. Ăn để sống, để chờ vai diễn. Dù vai lớn hay nhỏ, vai đứng chỉ trỏ bị bắn cái đùng giãy đành đạch chết, tôi cũng chờ", cô nhớ lại.

{keywords}
Việt Trinh - bạn cùng lớp, thành danh sớm còn Cát Phượng lận đận mãi.

Vào một dịp cuối năm, đã tối 30 Tết mà Cát Phượng không có tiền về quê. Cô vừa đói vừa buồn, tủi quá ra giữa sân trường ngồi khóc. Quyền Linh khi ấy ở ký túc xá (KTX) nam nhìn thấy liền đi xuống hỏi han: "Đói không Phượng?". MC khi ấy cũng không dư giả gì, anh cũng đói nhưng chỉ còn nồi cơm, không có thức ăn. Thế là Cát Phượng nảy ra ý tưởng làm một chén nước tương, dầm thật nhiều ớt để hai anh em ăn với cơm nguội. Vậy mà, hai người ăn hết nửa nồi.

"Ăn xong, ông Linh lấy pháo ra đốt, cây pháo. "Bà" pháo không biết bị gì mà đốt không nổ, chỉ xẹt lửa ở ngòi rồi quay mòng mòng. Tôi sợ quá bỏ chạy mà tôi chạy đến đâu "bà" pháo dí theo đến đó mới ghê. Hai anh em cười vui đêm đó", cô nhớ lại.

Thuê nhà cùng Minh Nhí và Lý Hải

Khi trường Sân khấu 2 không cho học tiếp nhưng vì không có chỗ ở, Cát Phượng vẫn lén ở lại KTX nữ. Mỗi lần nhà trường kiểm tra thì quản lý KTX báo cô trốn ra quán cóc cafe ngồi chờ. Có lần, người anh quản lý KTX ngủ quên nên không gọi báo trường đã kiểm tra xong, hại Cát Phượng ngồi ở quán cafe tới sáng. 

Sau đó, danh hài Minh Nhí đến rủ rê cô và Lý Hải dọn ra khỏi KTX, thuê nhà ở ghép. Cô nói thêm, biệt danh "cô Cát" là do đàn anh gọi quen mà thành. 

Ở chung căn gác nhỏ, Cát Phượng phụ trách nấu ăn, giặt ủi để Minh Nhí đi diễn, Lý Hải đi hát. Lúc đó, cô chưa đi tấu hài, sân khấu càng không có vai. Buổi tối, 3 người ngủ chung, Cát Phượng nằm giữa.

"Lúc đó, tôi như thằng đàn ông, tóc tém, ăn mặc nam tính nên hai ông anh mới cho tôi ngủ chung, chắc để bảo vệ hai ổng hay sao ấy? Mà muốn ngủ riêng cũng không có chỗ. Nhà có một cái mùng, 3 anh em chui vào chứ không ở ngoài muỗi cắn", Cát Phượng kể.

Sau đó, Lý Hải rồi Minh Nhí lần lượt mua nhà, Cát Phượng vẫn trắng tay. Minh Nhí đưa cô về ở chung. Mỗi lần đàn anh say xỉn là nôn thốc nôn tháo, hại cô phải lau dọn. Đạo diễn cũng đặc biệt nhớ thói quen ủi, xếp tiền thẳng tắp, ngay ngắn của Minh Nhí. 

Cát Phượng nhớ mãi kỷ niệm lần làm mất chiếc xe Dream của Minh Nhí. Mượn xe đàn anh đi tập kịch, cô khóa cổ xe hẳn hòi, để trước sân nhà mà vẫn mất.

"Đến hôm nay, anh cũng không nhắc đến chuyện tôi làm mất chiếc Dream của ảnh. Tính ảnh quá đàn ông! Không biết trong lòng có hận tôi mỗi khi nhớ lại cái vụ làm mất xe không nữa?", Cát Phượng hào hứng.

Vài năm sau, cô dọn ra ở thuê cùng em gái lên Sài Gòn học chứ vẫn chưa đủ tiền mua nhà. Cát Phượng nói, đời cô chưa hết chông chênh. Có đến vài năm liền, cô không có bất kỳ show nào dù là một vai quần chúng.

{keywords}
Cát Phượng và Minh Nhí có nhiều ân tình.

"Tôi như chìm dần và chết đuối. Không có tiền đóng tiền nhà, điện, nước; không còn tiền ăn, tôi cứ tưởng chết chắc và đã định khăn gói về quê thì ân nhân xuất hiện", cô nhớ lại. 

Người ơn mà Cát Phượng nhắc đến là ông bầu Phước Sang. Anh cho cô từ những vai diễn lớn đầu tiên ở sân khấu thể nghiệm 135 Hai Bà Trưng, Quận 1 (TP.HCM) đến những vai khá nặng ký ở sân khấu Nhà hát Hòa Bình (Quận 10, TP.HCM). 

"Trời ơi, đối với tôi, nó như một giấc mơ. Và tôi nắm bắt cơ hội ngay và liền, không làm cho anh Phước Sang thất vọng. Từ đó, cái tên Cát Phượng mới lớn dần.

Bây giờ, ít ai gọi tôi là Cát Bụi, Cát Phượng mà gọi là cô Cát, bà Cát, chị Cát... Cách gọi này, tôi rất thích vì nó thân thiện và gần gũi. Cảm ơn anh Minh Nhí đã gọi em danh xưng "cô Cát" đầu tiên.

Hiện tại, tôi không theo nghiệp diễn nữa, có thể nói là "hết thời" - nói đúng nghĩa là thời diễn đã hết. Tôi không còn một thể loại nhân vật nào cho mình cảm hứng để nhận diễn vì vai nào cũng đã diễn qua. Tôi chuyển qua đạo diễn, viết kịch bản, nhà sản xuất với quy mô nhỏ như drama chiếu mạng. 

Với tôi, anh Phước Sang là người ơn, anh Minh Nhí là người nghĩa. Ơn nghĩa có đủ, để dành trả từ từ", Cát Phượng viết. 

Gia Bảo

Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn phát gạo, tiền cho người khiếm thị

Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn phát gạo, tiền cho người khiếm thị

Cát Phượng rủ Kiều Minh Tuấn, Quách Ngọc Tuyên cùng những người bạn chở 1 tấn gạo phát cho người neo đơn, người khiếm thị.