Tiền đề cho giao thông thông minh

Từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu triển khai dự án thu phí tự động không dừng. Theo đó, khi sử dụng dịch vụ thu phí tự động, ôtô sẽ được gắn thẻ định danh trên kính hoặc đèn xe. Khi xe dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, hình ảnh và thông tin phương tiện được chuyển tự động về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe; nếu xe đủ điều kiện, thanh chắn sẽ mở.

Dịch vụ thu phí không dừng áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện có gắn thẻ định danh trên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ phương tiện.

Người dân có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking hoặc tại trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí... Thời gian xử lý giao dịch thu phí nhanh với tốc độ phương tiện qua trạm không barie là 50 giây/giao dịch.

Việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ khắc phục, hạn chế bất cập của hình thức thu phí một dừng, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí.

{keywords}

Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm dịch. Cùng với đó, dự án này cũng hưởng ứng chủ trương giảm lưu thông tiền mặt của Chính phủ.

Đến nay, trên toàn quốc đã có 111 trạm thu phí đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, gồm 76 trạm thuộc dự án thu phí tự động giai đoạn 1-BOO1 do Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cung cấp dịch vụ và 35 trạm thuộc dự án thu phí tự động giai đoạn 2- BOO2 do Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp dịch vụ.

Hệ thống dữ liệu của hai dự án BOO1 và BOO2 được kết nối để đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng một thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua tất cả các trạm thu phí trên toàn hệ thống.

Mới đây nhất, tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải ngày 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định việc thu phí điện tử không dừng mang lại hiệu quả thiết thực.

Như vậy, sau hơn 6 năm triển khai, thời điểm hiện tại, thu phí không dừng đã có những phát triển đột phá. Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh, công nghệ và những đổi mới này chính là tiền đề cho giao thông thông minh.

{keywords}

Những nút thắt

Song, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định, hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn đang gặp một số trục trặc. Vậy, đâu là bước tiếp theo trong quá trình triển khai thu phí không dừng tại Việt Nam, và những thách thức ở đây là gì?

Được biết, trong số 4 tuyến cao tốc do VEC đang quản lý, mới có cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được lắp đặt 15 làn thu phí không dừng, vận hành từ ngày 10/6/2020.

Từ năm 2017, VEC đưa hệ thống thu phí không dừng trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nhưng sử dụng công nghệ DSRC, nên chưa thể kết nối liên thông với hệ thống thu phí toàn quốc sử dụng công nghệ RFID.

Với dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Đà Nẵng – Quảng Ngãi, trong nguồn vốn đầu tư ban đầu của hai dự án này chưa có nguồn vốn dành cho hạng mục đầu tư hệ thống thu phí không dừng, vì vậy, Tổng công ty đang tiếp tục nghiên cứu.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, để tháo gỡ những lực cản trong thu phí không dừng, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo VEC khẩn trương thực hiện. Bên cạnh đó, dứt điểm thực hiện với VEC là chủ đầu tư giám sát, rồi còn phải đấu thầu dự án, thực hiện đầu tư, và quản lý thực hiện đầu tư thu phí không dừng.

“Tôi nghĩ nếu thực hiện sớm dự án này, thì trong vòng 3-6 tháng, nhà BOO trúng thầu chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu nêu trên”, ông Huyện cho hay.

Tương lai của giao thông Việt Nam

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai dự án thu phí không dừng của 2 nhà cung cấp là VDTC và VETC, triển vọng của việc xây dựng một hệ thống giao thông thông minh đã được ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC chỉ rõ. Ông Trình cho biết: “Chúng tôi xác định lấy tài khoản giao thông của chủ phương tiện (tài khoản thu phí tự động không dừng - ePass) làm nền tảng để phát triển hệ sinh thái giao thông thông minh”.

{keywords}

Theo đó, bắt đầu từ ePass, VDTC tiếp tục mở rộng hệ sinh thái thu phí tự động như: Thu phí sân bay; Thu phí nội đô; Giải pháp thẻ vé điện tử; Thu phí bãi đỗ xe thông minh và Các hệ thống, ứng dụng nghiệp vụ liên quan... Bên cạnh đó, VDTC cũng cung cấp các giải pháp, công nghệ hệ thống giao thông minh lĩnh vực đường bộ (cao tốc, quốc lộ).

Theo kế hoạch của VDTC, trong vòng 2 -5 năm tới, ePass sẽ trở thành ứng dụng đa dịch vụ cho người tham gia giao thông. Khách hàng ePass không chỉ sử dụng để thanh toán dịch vụ khi tham gia giao thông trên tuyến cao tốc, quốc lộ mà còn có thể sử dụng trong nội đô, di chuyển bằng xe buýt, đường sắt trên cao, sân bay, bến cảng.

Nhờ đó, chủ phương tiện hoàn toàn nắm được thông tin hành trình một cách chủ động, tức thời, biết rõ tình hình lưu thông, thời tiết, các sự cố bất thường xảy ra tại đâu để đưa ra lộ trình phù hợp từ đó dễ dàng trong việc tham gia giao thông dưới nhiều hình thức với thời gian ngắn nhất.

Ông Trình cho biết, các quốc gia phát triển ứng dụng rất nhiều công nghệ để hỗ trợ việc di chuyển thông minh, như một số bang ở Mỹ tiết kiệm tới 70% chi phí nâng cấp bảo trì hạ tầng. Còn ở Trung Quốc, công nghệ giúp giảm tới 50-60% số vụ tai nạn, ở Hàn Quốc giảm tới 75% lượng khí thải, ở Singapore, tăng tốc độ di chuyển trung bình trong thành phố từ 8km/h lên tới 24km/h.

“Chúng tôi hy vọng tầm nhìn về giao thông thông minh sẽ giúp hiện thực hoá những điều tương tự ở Việt Nam”, ông Trình chia sẻ.

Thu Hà