Dự kiến, từ tháng 10/2011, các đoàn xe vận chuyển bauxite từ Lâm Đồng sẽ bắt đầu lăn bánh theo Tỉnh lộ 725 - Quốc lộ 20 về ngã ba Dầu Giây – Tỉnh lộ 769 – QL51 rồi về cảng Gò Dầu (Đồng Nai) với tần suất khoảng 10 phút/chuyến.
Trong khi việc vận hành nhà máy bauxite đang được đếm từng ngày thì việc nâng cấp, sửa chữa cầu đường đường để phục vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của nhà máy vẫn còn… trên giấy.
Nguy cơ sụm cầu, nát đường
“Cầu La Ngà đã xuống cấp và tải trọng cho phép chỉ còn 25 tấn. Nếu phải gồng mình gánh những đoàn xe chở bauxite với tải trọng 40 tấn/xe thì nguy cơ sụm cầu rất dễ xảy ra”, một chuyên gia về giao thông ở Đồng Nai nhận định.
Cầu La Ngà thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, là cây cầu dài nhất trên trên QL20 – tuyến đường vận chuyển bauxite. Cây cầu này cũng nằm ở thế độc đạo, nếu xảy ra sự cố, việc lưu thông trên QL 20 sẽ bị tê liệt hoàn toàn.
Theo khảo sát của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, hiện trên tỉnh lộ 769 và QL51 có 12 cây cầu chỉ cho phép khai thác với tải trọng 25 tấn. Riêng cầu Suối Bí trên tỉnh lộ 769 đang được sửa chữa và tải trọng cho phép chỉ còn 10 tấn.
QL 20 nhiều đoạn đã xuống cấp và hư hỏng nặng nhưng chưa được sửa chữa - Ảnh: Cao Nguyên |
Trong khi hàng loạt cây cầu đứng trước nguy cơ quá tải, không thể gánh nổi các đoàn xe chở bauxite thì nhiều con đường nằm trong tuyến vận chuyển bauxite lại càng thê thảm hơn.
Ngày 16/6/2011, khảo sát QL 20, đoàn kiểm tra của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai ghi nhận, đoạn đường dài 75,6 km ngang qua địa bàn huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú đã hết hạn sử dụng, ổ gà xuất hiện gần như toàn tuyến.
Mặt đường rộng chỉ khoảng 7m, nhiều đoạn quá hẹp, xe máy không có phần đường riêng nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông vì mật độ xe lưu thông lên đến 15.000 lượt/ngày đêm.
Cũng theo khảo sát của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, tuyến tỉnh lộ 769 cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi ổ gà dày đặc, mặt đường lún sụt.
Trong khi đó, QL 51 đang trong tình trạng nâng cấp, việc thi công trình còn ngổn ngang trong khi đó mật độ xe lưu thông (25.000 lượt/ngày đêm) đã khiến tuyến đường này quá tải.
Với thực trạng trên, việc cõng thêm các đoàn xe chở bauxite sẽ kiến cho QL 20, tỉnh lộ 769 và QL51 càng thêm tan nát.
Không muốn chi tiền
Theo tìm hiểu của VietNamNet, để vận chuyển sản phẩm cho dự án sản xuất alumin Tân Rai (Lâm Đồng) và alumin Nhân Cơ (Đăk Nông), cuối tháng 4/2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm phương án tối ưu nhất.
Đến đầu tháng 6/2010, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan và thống nhất chọn phương án vận chuyển bauxite khi chưa có cảng Kê Gà (Bình Thuận) như sau: Sản phẩm từ nhà máy alumin Tân Rai sẽ được vận chuyển theo tỉnh lộ 725 - Quốc lộ 20 về ngã ba Dầu Giây – tỉnh lộ 769 – QL 51 rồi về cảng Gò Dầu (Đồng Nai).
QL 51 sẽ bị quá tải khi có thêm những đoàn xe chở bauxite - Ảnh: Nhật Tân |
Ngày 16/7/2010, tại cuộc họp về xây dựng cảng Kê Gà, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam phải nhanh chóng hoàn phương án vận chuyển bauxite khi chưa có cảng Kê Gà.
Theo đó, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) chịu trách nhiệm ứng trước kinh phí nâng cấp các tuyến Tỉnh lộ trên tuyến đường vận chuyển bauxite.
Song, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, tính đến cuối tháng 6/2011, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa nhận được sự hợp tác từ Ban quản lý dự án bauxite – nhôm Lâm Đồng trong việc khảo sát các tuyến đường để phục vụ việc vận chuyển bauxite và lên phương khắc phục hư hỏng.
Trước tình thế trên, UBND tỉnh Đồng Nai phải gửi văn bản cho Bộ GTVT và KTV đề nghị KTV và Ban quản lý dự án bauxite – nhôm Lâm Đồng phải liên hệ ngay với UBND tỉnh để thống nhất phương án sửa chữa, nâng cấp tỉnh lộ 769.
Đặc biệt, phải nắn lại một số đoạn đường cong cua nguy hiểm để hạn chế tai nạn giao thông. UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị tiến hành kiểm định lại các cây cầu trên tỉnh lộ 769 để xác định tải trọng có thể khai thác an toàn.
Thế nhưng, mới đây KTV lại có văn bản kiến nghị Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) lấy vốn ngân sách nhà nước để thực hiện việc nâng cấp sửa chửa đường vận chuyển bauxite.
Nhật Tân
(còn nữa)