- Lại thêm một lần nữa, những con người sinh sống ở khu vực cầu Long Biên trở thành tâm điểm của một dự án nghệ thuật đa quốc gia.

Bốn bộ phim tài liệu thử nghiệm mang tên “Long Bien Picture Show/ Buổi Chiếu Bóng Long Biên” cùng với bộ sưu tập hơn 140 ảnh được thu thập trong 3 tháng. Hơn 100 ngày,  bốn nhà làm phim người Việt (Trần Thị Ánh Phương, Phạm Thu Hằng, Đỗ Văn Hoàng, Trần Thanh Hiên) và bốn nhiếp ảnh gia quốc tế (Boris Zuliani, Trần Xiu Thúy Khanh, Barnaby Churchill Steele, Jamie Maxtone-Graham) đã thể hiện những quan sát và cảm xúc riêng tư của họ về xóm Long Biên – nơi tầng lớp dân lao động vốn bị coi là thứ yếu của xã hội, của thủ đô đang hàng ngày sinh sống và tồn tại.

Với chủ đích xây dựng những tác phẩm nghệ thuật phim và ảnh dưới góc quan sát đơn giản một khu vực với những con người sống và làm việc tại đó, mỗi một nhà làm phim hay nhiếp ảnh gia sẽ sử dụng khu vực này với một cách riêng của mình.


Tại xóm Long Biên – cũng như ở mọi nơi khác – người ta có những lí do cho cách mà họ mưu sinh. Ở xóm Long Biên, mỗi ngày đều có những số phận con người được sinh ra hay mất đi. Một số người sống cả cuộc đời nơi đây nhưng cũng có những người muốn bỏ nơi này đi nơi khác.

Đó chính là  cuộc sống hàng ngày ở nơi "tận cùng thế giới" thủ đô: những người lao động cùng khổ sử dụng địa điểm này, nơi họ sinh sống và làm việc theo một cách rất riêng mà không cần có ý tưởng gì đằng sau đó hoặc theo một ý nghĩa nào. Sự lựa chọn là của những người dân khu vực. Ở đây có những con phố với những ngôi nhà, cửa hàng, những khu chợ và những gia đình, có những con ngõ nhỏ với cả ô tô, xe tải, xe gắn máy, xe đạp, có người già và người trẻ. Sáng ra mặt trời lên và khi màn đêm buông xuống thì tất cả lại chìm vào bóng tối. Còn xử lí những điều đó về mặt nghệ thuật như thế nào là phụ thuộc vào tay nghề của các nghệ sĩ. Sự bất ngờ - cũng chính là món quà của nghệ thuật nhiếp ảnh và làm phim.

Chương trình chiếu phim và trình chiếu nhiếp ảnh sẽ được tổ  chức vào Chủ nhật ngày 23/01 tại Viện Goethe Hà Nội.

Hồ Hương Giang