Cầu lông tốc độ (còn được gọi speedminton) là sự kết hợp giữa cầu lông, squash và tennis. Đây là môn thể thao không có giới hạn về nhiều mặt.

{keywords}

Những bạn trẻ ham mê speedminton

Đánh cầu trong đêm tối

Speedminton kết hợp được các yếu tố thế mạnh của các môn khác. Ví dụ, sự hạn chế của cầu lông bình thường là gặp vấn đề với gió. Nếu gió quá mạnh thì cầu sẽ bay loạn xạ. Nhưng với speedminton thì chuyện đó được giải quyết gọn nhẹ bằng chiếc vòng gió đặc biệt gắn trên quả cầu, giúp nó không bị gió bẻ hướng. Tennis đòi hỏi mặt sân thi đấu phải quy chuẩn thì speedminton lại không ngoại trừ bất kỳ địa hình nào.

Văn Phát (ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Với môn này, mình có thể chơi trong bóng tối vì mỗi quả cầu gắn thêm đèn phát quang, sáng trong 3 giờ. Mặt sân cũng được làm dấu bằng những vạch phát quang. Đây chính là điểm đặc biệt thu hút tụi mình đến với speedminton”.

Chị Hoàng Diễm (huấn luyện viên speedminton tại CLB Phú Thọ, TP.HCM) cho biết: “Cầu lông tốc độ sử dụng vợt đặc biệt, được thiết kế chuyên dụng, cân nặng khoảng 170 g. Độ bền cao của vợt sẽ tiết kiệm không ít cho người chơi. Chiều dài vợt từ 58–60 cm đảm bảo độ kiểm soát bóng chính xác với tốc độ nhanh. Quả cầu rất giống cầu lông nhưng được thiết kế để chơi giữa gió mạnh và còn có nhạc”.

{keywords}

Speedminton được nhiều bạn trẻ yêu mến

Với nhiều yếu tố thu hút như trên, speedminton còn ghi điểm ở chỗ người chơi không giới hạn độ tuổi hay giới tính. Hoàng Nhiên (ĐH Cộng nghiệp Thực phẩm TP.HCM) cho biết: “Từ trước tới giờ, mình ít khi chơi thể thao nhưng khi bạn trai rủ chơi speedminton thì bị hấp dẫn ngay. Trò này lạ nhất là chơi trong bóng tối mát mẻ. Giờ thì ngày nào tụi mình cũng chơi, vừa khỏe vừa độc đáo”.

Với Khắc Trừ, chơi speedminton là cách thể hiện cá tính: “Tụi mình biết bộ môn này từ Youtube. Khi nó du nhập vào Việt Nam thì bọn mình rất hào hứng. Mỗi người có thể sắm bộ dụng cụ phù hợp với cá tính và độ tuổi của mình, cũng như thể loại mà bạn chọn để chơi. Ví dụ, cầu Match Speeder được dùng cho các trận thi đấu bình thường. Cầu Fun Speeder được dùng cho các trận đấu U14 trở xuống. Cầu Tube Cross được dùng cho các trận đấu ngoài trời, khoảng cách xa và chơi tốt trong điều kiện có gió. Cầu Tube Night được dùng cho các trận đấu ban đêm”.

Quả cầu có tốc độ 300 km/h nên tốc độ của đôi chân và độ uyển chuyển của cổ tay rất quan trọng. Gia Ân (ĐH Hoa Sen) nói: “Mình và nhóm từng chơi tennis nên lúc chuyển qua speedminton thì không quá khó. Tụi mình rất hào hứng và sẽ tiếp tục tập luyện để thi đấu giao hữu với các bạn sinh viên trường khác”. Với việc áp dụng khá nhiều kỹ thuật linh hoạt, speedminton hứa hẹn sẽ là cú đột phá trong trào lưu thể thao năm nay.

(Theo Sinh Viên Việt Nam)