Từ giấc mộng chưa thành tại trời Âu

Cầu thủ Việt đầu tiên ra nước ngoài thi đấu là cựu tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Bản hợp đồng mang nặng tính thương mại năm 2001 đưa chân sút của Công an TP.HCM đến Chongqing Lifan (Trung Quốc) và không có nhiều dấu ấn về mặt chuyên môn. Phải đến năm 2009, khi Công Vinh ký hợp đồng với Leixoes (Bồ Đào Nha) và trở thành cầu thủ Việt đầu tiên chơi bóng tại một giải đấu chuyên nghiệp ở châu Âu mới ghi dấu ấn “xuất ngoại” đầu tiên mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam.

Châu Âu từ lâu vẫn là đỉnh cao của bóng đá thế giới, nơi hội tụ tất cả các anh tài. Các CLB trị giá từ trăm triệu đến hàng tỷ đô la, vung tiền “không thương tiếc” để lôi kéo các cầu thủ giỏi. Truyền hình trực tiếp đưa hàng tỷ người trên thế giới dõi theo từng đường bóng mối cuối tuần giúp trời Âu là miền đất hứa của bất kỳ cầu thủ nào. Muốn vươn tầm thế giới, phải đến Châu Âu chơi bóng.

{keywords}
 

Nhưng bóng đá châu Âu không toàn màu hồng. Những đòi hỏi khắt khe về điều kiện tập luyện, chuyên môn có thể bóp nghẹt giấc mơ trời Âu của bất cứ cầu thủ nào. Trong cuốn tự truyện “Phút 89”, Công Vinh nhiều lần nói về việc khó hoà nhập với môi trường bóng đá Châu Âu, thường xuyên “mài đũng quần” trên băng ghế dự bị rồi phải rời đi trong tiếc nuối.

Sau Công Vinh, nhiều cầu thủ Việt nổi tiếng cũng tìm đường ra nước ngoài thi đấu như Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Lâm đến với các giải bóng đá Châu Á. Đến khi Công Phượng và Văn Hậu tham gia thi đấu tại giải Bỉ và Hà Lan, giấc mơ Châu Âu của cầu thủ Việt mới được viết tiếp.

Trong lễ ký hợp đồng của Công Phượng với Sint Truiden (Bỉ), Bầu Đức từng nói, cầu thủ Việt ra nước ngoài chưa ai thành công cả. Nơi quen thuộc của các cầu thủ là băng ghế dự bị, nơi họ đếm từng phút trong mỗi trận đấu để một lần được khởi động thay người.

Cánh cửa mới đưa cầu thủ Việt tới bóng đá Châu Âu

Có nhiều nghi ngại khi cầu thủ Việt sang Châu Âu chơi bóng. Thể hình, thể lực vẫn là điểm yếu của những cầu thủ đến từ “vùng trũng” như Đông Nam Á. Nhưng bóng đá là môn thể thao đặc biệt. Tài năng thiên bẩm về kỹ thuật có thể bù đắp cho chiều cao hình thể, và rèn luyện chăm chỉ có thể tích lũy đẳng cấp.

Messi chỉ cao 1m70 nhưng vẫn trở thành một trong những cầu thủ hay nhất mà bóng đá thế giới sản sinh ra. Hay một cầu thủ Châu Á từng rất thành danh tại bóng đá Châu Âu là Park Ji-sung chỉ cao 1m75 nhưng được mệnh danh là “người không phổi” với nền tảng thể lực tuyệt vời. Điều cần thiết là cầu thủ cần được trao cơ hội.

{keywords}
 

Cuối tháng 10/2019, Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF (Việt Nam) và CLB FK Sarajevo (Bosnia & Herzegovina) tiến hành lễ ký thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện. Những cam kết cụ thể về việc “đưa cầu thủ Việt Nam sang đá giải ở Bosnia&Herzegovina” là cơ hội thực sự cho các cầu thủ được thể hiện mình tại bóng đá châu Âu, là cánh “cửa sáng” để họ được góp mặt tại sân chơi đẳng cấp Champions League. Và đó là động lực cực lớn để cầu thủ của chúng ta nỗ lực, bởi cơ hội này là hiếm, thậm chí với cả những cầu thủ đẳng cấp nhất châu lục.

Từ sự trưởng thành của các cầu thủ trẻ của trung tâm PVF nói riêng, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi khi sở hữu những thế hệ cầu thủ tương lai đã có nhiều cơ hội học hỏi, tiếp cận với những nền bóng đá phát triển. Đây cũng chính là cách mà các nền bóng đá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay các nước châu Phi đã làm khi đưa nhiều cầu thủ sang châu Âu chơi bóng và mang lại thành công cho nền bóng đá nước nhà.

Bóng đá Việt Nam đã giành nhiều thành tích ấn tượng trong khu vực suốt 2 năm qua. Nhưng “muốn thành cá kình phải ra biển lớn”, đã đến lúc cầu thủ Việt cần thoát ra khỏi “chiếc ao làng” - tới “miền đất hứa” Châu Âu. Đây cũng là con đường để Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu Olympic 2024 hay VCK World Cup 2026.

Minh Tuấn