Những câu cầu treo dân sinh bắc qua sông suối vốn là niềm mong mỏi bao năm của người dân vùng sâu, vùng xa để cuộc sống bớt khó khăn, vất vả.

Hợp phần xây dựng cầu dân sinh thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện từ năm 2017-2020 đến nay đã vượt mục tiêu đề ra về tiến độ, chất lượng và số lượng cầu được xây dựng, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới xây dựng nông thôn mới.

{keywords}
Cầu treo dân sinh: Niềm mong mỏi bao năm của người dân vùng sâu, vùng xa

Theo Bộ Giao thông Vận Tải, từ năm 2016-2021, dự án xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, với mục tiêu xây dựng mới 2.174 cầu dân sinh. Các cầu treo có tuổi thọ thiết kế 25 năm.

Dự án này có tổng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 245,5 triệu USD (tương đương 5.525,2 tỷ đồng) và vốn đối ứng ngân sách Trung ương là 272,9 tỷ đồng (tương đương 12,1 triệu USD). Vốn đối ứng của địa phương do các tỉnh cam kết tự huy động nguồn lực địa phương cho công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, vật nổ (không tính trong tổng mức đầu tư dự án).

Là đơn vị chuyên ngành triển khai các dự án cầu dân sinh, ông Trần Hữu Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết theo ý kiến đánh giá của WB và các địa phương, cho đến nay dự án triển khai rất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi đi lại cũng như sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa. Các điểm vượt sông, suối mất an toàn giao thông đã được thay thế bằng các cây cầu giải quyết an sinh, xóa bỏ chia cắt cộng đồng, thúc đẩy kinh tế-xã hội.

“Nhờ vào việc kết hợp Nhà nước, chính quyền và người dân cùng làm các cầu dân sinh, kết quả đạt được của dự án LRAMP là tốt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu so với nhu cầu thực tế là rất lớn, trong khi ngân sách của các địa phương mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ,” ông Hải thừa nhận.

Nhấn mạnh công tác giải phóng mặt bằng của địa phương nhanh, ông Hải đánh giá tiến độ thi công, chất lượng công trình các cầu dân sinh đều được đảm bảo, tiết kiệm giá thành.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay đơn vị này đã khởi công 1.972/2.174 cầu, hoàn thành 1.200 cầu. Đến hết năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 1.800 cầu, vượt mức yêu cầu của dự án (1.600 cầu).

Do trong quá trình đấu thầu giai đoạn 1, hợp phần cầu đã tiết kiệm được tổng mức đầu tư đồng thời trên cơ sở kiến nghị của các tỉnh thành mong muốn có thêm nhiều cầu dân sinh, Tổng cục Đường bộ cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung dự án LRAMP (giai đoạn 2) vào danh mục đề xuất các dự án đầu tư công giai đoạn 2015-2021, trong đó hợp phần xây dựng cầu dân sinh sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến 6.050 tỷ đồng để thực hiện đầu tư khoảng 2.438 cầu (gồm 374 cầu của giai đoạn 1 và 2.064 cầu giai đoạn 2); hợp phần khôi phục, cải tạo đường địa phương tổng vốn đầu tư dự kiến 3.296 tỷ đồng để khôi phục, cải tạo tối thiểu 676km đường.

“Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với WB tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ bố trí khoản vay với lãi suất ưu đãi đồng thời hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi hoặc không hoàn lại từ các tổ chức khác,” ông Huyện kiến nghị.

Trong khi đó, đề cập tới việc nâng cao hiệu quả cho việc xây dựng cầu, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa và Hà Tĩnh kiến nghị thời gian tới, đối với một số cầu bắc qua sông lớn nên mở rộng bề rộng lên 5,5-6m để 2 xe tránh nhau đồng thời các tiêu chí về khoảng cách, đường kết nối cầu cần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa hình thực tế tại từng vùng.

Bài: Đỗ Ngân Phương - Nhóm PV

Ảnh: Vũ Mai Hương - Nhóm PV