Hạt đoát có thể kết hợp với nhiều loại nguyên liệu khác để tạo ra những món giải khát thơm ngon thú vị và lạ miệng.

Hạt đoát tùy theo vùng mà có các tên gọi khác như: đác, báng, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng, tavak, rượu trời, cây dừa núi. Cây đoát có tên khoa học Arenga pinnata, là giống cây lâu năm thuộc họ cau, có nguồn gốc khu vực nhiệt đới châu Á, từ đông Ấn Độ về phía đông đến Malaysia, Indonesia, và Philippines…

Ở Việt Nam, cây đoát mọc nhiều ở chân núi ẩm (Cao Bằng, Lạng Sơn) hay trên dãy Trường Sơn. Các huyện miền núi Quảng Nam như Nam Giang, Đông Giang… đều có sự phân bố của loài cây này.

{keywords}
Buồng trái đoát ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Ở tuổi trưởng thành cây có dáng như cây dừa, có đường kính khoảng 50 - 60cm, cao chừng 8 - 12m. Lá xẻ lông chim to trông như lá dừa, mặt dưới màu trắng. Cuống hoa chứa nhiều nước ngọt, có thể nấu thành đường hoặc cho lên men rượu, còn gọi là rượu đoát, tavak…

Cây đoát có quả khá nhỏ chỉ bằng quả cau, mọc thành buồng. Khi thu hoạch hạt đoát, người ta sẽ chặt buồng quả này, nấu chín hoặc đốt cháy vỏ để nhựa khô lại, khi tách hạt sẽ dễ dàng và không bị ngứa.

Hạt đoát bên trong trắng tự nhiên, da trơn láng, có vị béo, bùi và khi ăn vừa giòn vừa dai vô cùng hấp dẫn. Hạt đoát thường được nấu chè với đường hay mật ong ăn rất ngon và rất hấp dẫn.

Cách chế biến hạt đoát rất đơn giản. Hạt đoát tươi mua về, rửa sạch 3 lần nước. Sau đó ngâm vào nước muối loãng 30 phút để sạch mùi, nhớt và rửa lại 2 lần rồi để ráo. Tùy theo sở thích mà bạn có thể chọn hạt non, mềm, hoặc vừa phải, hoặc già, hơi cứng. Thông thường hạt dùng để chưng/rim thì nên chọn hạt non, mềm. Còn hạt tươi ngâm đường có thể chọn hạt vừa phải hoặc hơi già.

{keywords}
Hạt đoát đã sơ chế.

Cũng có thể nấu chè hạt đoát để thưởng thức. Đầu tiên, nấu (hay rim) đường phèn (hoặc đường cát) với hạt đoát, cơm dừa (hay gừng) trong nồi cho sôi và nêm độ ngọt vừa miệng, cho thêm lá dứa và mít vào rồi bắc xuống.

Món ăn này sẽ dậy lên mùi thơm hấp dẫn khó cưỡng khi ăn với đá lạnh mùa hè hay ăn nóng vào mùa đông. Cư dân Trường Sơn thường nấu chè hạt đoát với mật ong để tăng cường sức khỏe, có sức đề kháng tốt chống lại “lam sơn chướng khí”, bệnh tật.

Theo các nhà dinh dưỡng, trong hạt đoát có chứa acid lauric, chloride, và sắt, kali, magiê, canxi, natri, phospho… Hạt đoát có chứa canxi là khá cao, trong 100 gram hạt đoát có chứa 91mg canxi nên rất phù hợp để bổ sung nhu cầu canxi cho cơ thể. Đây là một loại hạt lành tính, ít chất béo và calo nhưng lại giàu khoáng chất, vitamin… có tác dụng rất tốt trong làm đẹp, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa loãng xương, tốt cho tim mạch…

Với rất nhiều công dụng trong làm đẹp, chữa bệnh và nấu ăn ngon và bổ nên hạt đoát khiến nhiều chị em, bà nội trợ ưa thích. Hạt đoát được bán từ các chợ tại miền Trung với giá dao động từ 80.000 - 130.000/kg tùy loại đã qua sơ chế hay chưa và tùy nơi bán.

(Theo Báo Quảng Nam/ Dân Việt)