Nguyên nhân các nhà khoa học chọn cánh ve làm “mảnh đất” để cấy các tế bào giác mạc là vì nó có tính sát trùng và làm các tế bào này dễ dàng nảy nở sinh sôi.
Các nhà khoa học hy vọng rằng tương lai sẽ tạo nên một khối lượng giác mạc lớn phục vụ cho người mù. |
Mười năm về trước, tiến sĩ Greg Watson trong một cuộc dạo chơi trong khu vườn của biệt thự riêng bỗng chú ý đến một hiện tượng lạ: Những con ve sầu sau mùa hè bị chết, rơi xuống mặt đất. Thế nhưng trong khi thân chúng đã phân huỷ thì đôi cánh vẫn còn nguyên.
Nhặt những chiếc cánh ấy, ông mang đến phòng thí nghiệm soi dưới kính hiển vi điện tử và phát hiện một điều thú vị là những con vi khuẩn khi tiếp xúc với cánh ve sẽ chết ngay lập tức.
Watson trở thành nhà khoa học đầu tiên trên thế giới hiểu ra rằng vi khuẩn có thể chết vì một chất có trong tự nhiên chứ không cần đến những hoá chất tổng hợp.
Watson nghĩ: Cánh ve có một tính chất lạ kỳ là tự làm sạch. Các chất bẩn (hiểu theo nghĩa sinh học) không thể bám vào. Như vậy bề mặt cánh ve có thể là “mảnh đất” thần kỳ để cấy các tế bào mà không sợ bị vi khuẩn huỷ hoại. “Tế bào giác mạc chẳng tìm ra nơi nào để phát triển thuận lợi hơn. Cứ thử xem sao!”, ông nghĩ.
Những thí nghiệm đầu tiên của các nhà khoa học Australia đã thu được kết quả tốt. Ông và các đồng nghiệp hy vọng, một ngày đẹp trời nào đó, họ sẽ triển khai được công nghệ tạo ra một khối lượng giác mạc đáng kể để có thể mang lại thị giác cho những người mù.
Bảo Châu (Theo Pravda.ru)