- Biệt danh Hà “vôi” gắn liền với Nguyễn Văn Hà xuất phát từ mấy chục năm anh làm nghề chở vôi bán cho người dân làm nhà, xây sửa. Thế nhưng, điều khiến anh nổi tiếng hơn cả, đó là vì cây sanh già nhất quê lúa Thái Bình mà anh đang sở hữu!

Cây sanh cổ được đặt tên “Tam đại đồng đường” được giới chơi cây đất lúa Thái Bình đánh giá là cây sanh cổ già nhất Thái Bình có tuổi đời không dưới 100 năm.

Nó được anh Nguyễn Văn Hà (SN 1976, xã Đông Hợp, Đông Hưng, Thái Bình) mua lại vài chục năm trước của một gia đình nông dân làng cây cảnh Tân Lập nổi tiếng đất lúa.

Cây lộc vừng ba thân có tuổi đời hàng trăm năm của Nguyễn Văn Hà.
 

Ban đầu, cây sanh được người chủ trồng trong một chiếc chậu men sắt (loại chậu thời bao cấp của Trung Quốc sản xuất); sau một thời gian cây phát triển, người chủ này làm thêm một cái chậu tự đổ xi-măng bao quanh bên ngoài; sau đó là một lớp chậu thứ ba.

Đến nay, cả ba lần chậu này vẫn được Hà “vôi” giữ lại. Lớp bệ đá cấy mới đã bị rễ cây sanh cổ trùm kín, và lớp đá này cũng đã mốc xanh theo thời gian, ôm kín cả ba lớp chậu.

Cây sanh “Tam đại đồng đường” được giới chơi cây đánh giá có tuổi đời già nhất tỉnh lúa Thái Bình.
Chính điều này đã tạo nên nét đặc biệt cho cây cây sanh cổ có dáng trực này.


Khoảng giữa những năm thập niên 90, những thợ săn cây năm lần bẩy lượt tìm đến xin mua lại cây sanh cổ, nhưng Hà “vôi” nhất định từ chối.

“Thời điểm đó, nếu tính theo giá vàng thì cây sanh này đã lên tới gần 30 cây vàng. Lúc ấy là cả một gia sản lớn, nhưng may mà mình giữ lại nên còn…” - Hà “vôi” tự hào.

Những “siêu cây” trong bộ sưu tập cây quý của Hà “vôi”.
 

Năm 2011, Nguyễn Văn Hà mang cây sanh cổ đi “thi đấu” tại triển lãm sinh vật cảnh của Thái Bình.

Ngay lập tức, cây này đã “rinh” về giải 3, bỏ qua hàng chục cây cảnh “khủng” của dân chơi quê lúa. Cũng trong năm ngoái, thời điểm thị trường cây cảnh “sốt xình xịch” vì “cơn lốc” gom cây xuất sang Trung Quốc, thợ cây Nam Định không ngần ngại trả giá 1,8 tỷ đồng, nhưng anh vẫn kiên quyết giữ lại để làm “cây đinh” cho vườn cây cảnh của mình.

Ngoài cây sanh cổ có tên “Tam đại đồng đường”, Nguyễn Văn Hà còn sở hữu hàng chục cây quý, hầu hết là cây cổ.

Câu chuyện về cây lộc vừng ba thân của anh cũng là cả một huyền thoại.

Khoảng năm 1995, anh mua lại một vườn lộc vừng của một gia đình nông dân bên Thái Thụy (Thái Bình). Đây là cây lộc vừng ta (lộc vừng hạt, khác với lộc vừng khai thác trên rừng).

Một thời gian sau, anh bán cho một người chơi cây khác bên Tân Đệ với giá gần 30 triệu. Khi đó, ngoài Bắc đang có trào lưu chơi cây lộc vừng.

Những “siêu cây” trong bộ sưu tập cây quý của Hà “vôi”.
 

Một thời gian sau, người chủ mới này vỡ nợ, phải bán cả cây cảnh lấy tiền trả nợ. Tình cờ đúng ngày rao bán, Nguyễn Văn Hà đi qua và may mắn “chuộc” lại được cây quý.

Theo anh Hà, “cụ” lộc vừng này có tuổi đời không dưới 100 tuổi. Toàn bộ phần gốc đã lên bướu, lên ụ, da mốc xỉn cổ kính màu thời gian. Những phần cành được cắt đi tạo thế đã liền sẹo, càng khiến cây thêm cổ kính.

Ước tính, vườn cây cảnh của Hà “vôi” có giá trị không dưới chục tỷ đồng – đó là cả một khối tài sản lớn ở làng quê thuần nông xã Đông Hợp, Đông Hưng, Thái Bình.

Những năm gần đây, phong trào chơi cây phát triển trở lại, bóng dáng những cây cảnh cổ, quý… ngày càng hiếm hoi, những tác phẩm cây cổ như “tam đại đồng đường”, cây lộc vừng ba thân theo dáng trực… của Nguyễn Văn Hà là niềm mơ ước của nhiều người muốn sở hữu, và là điều tạo nên “thương hiệu” cho chính chủ nhân của nó.

Kiên Trung