Trong khi các nhà hoạch định chính sách đang tìm kiếm cách thức tốt nhất để ứng dụng công nghệ sinh học vào cây trồng biến đổi gen thì các nhà khoa học, trong nước lẫn quốc tế lại quan ngại về những nguy hại mà cây trồng biến đổi gen có thể gây ra…
Chưa đồng thuận
Giống ngô biến đổi gen đang được trồng thử nghiệm tại Việt Nam. |
Trong bài viết đăng ngày 15/8, tờ Thanh Niên dẫn lại lời của tiến sĩ Michael Antoniou, chuyên gia thuộc Trường Đại học Hoàng gia Y khoa London, Anh Quốc, cho rằng, cây trồng biến đổi gen được xúc tiến dựa trên những tuyên bố tham vọng, rằng nó an toàn khi ăn, có lợi cho môi trường, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng sản lượng và giúp giải quyết nạn đói...
Tuy nhiên, hiện đã có những nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, cây trồng biến đổi gen gây tác hại đến vật nuôi trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, cây trồng biến đổi gen còn có thể tạo ra các độc tố hoặc các chất gây dị ứng không ngờ tới trong thực phẩm và ảnh hưởng tới giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, ông này nhấn mạnh.
Trong bài viết, tờ báo này cũng dẫn lại lời của tiến sĩ Michael Hansen, chuyên gia thuộc Mạng lưới hành động về thuốc bảo vệ thực vật châu Á - Thái Bình Dương, nói rằng, kết quả khảo nghiệm ở Ấn Độ cho thấy, năng suất của cây bông biến đổi gen không tăng lên, trong khi lượng phân bón phải sử dụng nhiều hơn 15%. Vị tiến sĩ này cũng cảnh cảnh báo, đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất rộng rãi sẽ khiến người nông dân phải lệ thuộc hoàn toàn vào các công ty chuyên cung cấp giống cây trồng biến đổi gen.
Cũng theo tờ báo này, trong thời gian qua, không ít các nhà khoa học Việt Nam cũng bày tỏ mối nghi ngờ về những đặc tính ưu việt của cây trồng biến đổi gen, đồng thời cảnh báo về những mối nguy hại của cây trồng này đối với sức khỏe con người, môi trường, kể cả về mặt kinh tế, lưu ý chúng ta cần cẩn trọng trong việc khảo nghiệm và đưa giống cây trồng biến đổi gen vào trồng thương mại.
Trong khi đó, tại một hội thảo về công nghệ sinh học diễn ra hôm 9/8 vừa qua, ông Bria Neubert, chuyên gia kinh tế Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng: "Hạt giống và cây trồng công nghệ sinh học cung cấp nhiều lợi ích cho các nước trồng, sử dụng và xuất khẩu chúng bao gồm giảm giá lương thực, bảo vệ môi trường và lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng. Bây giờ là lúc Việt Nam phát triển một môi trường khuyến khích nghiên cứu, phát triển và chấp nhận công nghệ sinh học”.
Trên tờ Đại Đoàn Kết, tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.Hồ Chí Minh, cũng cho biết, đến cuối năm 2011, hơn 16 triệu nông dân của 29 quốc gia trên thế giới đã trồng 160 triệu ha cây trồng sử dụng công nghệ sinh học, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng trên toàn thế giới. 32 quốc gia khác nhập khẩu những sản phẩm cây trồng biến đổi gen, điển hình như ngô, đậu tương, cải dầu, đậu nành, cà tím… làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
"Hiện tại, chỉ có 4 loại cây trồng biến đổi gen được phép trồng thử nghiệm tại Việt Nam là bông vải, ngô, đậu tương và cải dầu. Nếu cho phép trồng những loại cây này, nông dân thu lợi ít nhất từ 100 - 200 USD/ha, mà doanh nghiệp cũng không phải nhập sản phẩm biến đổi gen từ các nước khác”, TS. Nguyễn Quốc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm này cho biết.
Ông Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Miền nam cho rằng, những rủi ro mà cây trồng biến đổi gen gây ra cho con người được nhắc đến thường là do chúng ta tưởng tượng. Ông Bửu cũng thừa nhận rằng, việc ứng dụng công nghệ sinh học Việt Nam đang đối diện với thách thức lớn về dư luận xã hội. Và chính những dư luận này đang gây bất lợi không nhỏ cho việc phát triển cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam.
Thận trọng và có chọn lọc
Hiện tại dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố lấy ý kiến nhân dân.
Theo dự thảo này, Giấy chứng nhận an toàn sinh học do Bộ trưởng Bộ TN&MT cấp trên cơ sở kết luận của Hội đồng an toàn sinh học và kết quả khảo nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận.
Chỉ có các tổ chức, cá nhân đã tiến hành khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen trong điều kiện của Việt Nam và kết quả khảo nghiệm đã được Bộ NN&PTNT công nhận đạt yêu cầu mới được lập hồ sơ đăng ký cấp.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, chủ trương của Việt Nam là thận trọng, tiếp nhận và ứng dụng có chọn lọc những thành tựu khoa học về biến đổi gen của thế giới. Việt Nam sẽ cân nhắc và có bước phát triển phù hợp để tránh ảnh hưởng xuất khẩu.
Cũng theo ông Ngọc, thì dự kiến vào năm 2015, nước ta sẽ đưa vào sản xuất cây trồng biến đổi gen, đầu tiên là giống ngô (năng suất vượt trội, chống chịu tốt và kháng sâu).
Lê Văn (Tổng hợp)