Đại dịch COVID-19 đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế đối với cung - cầu hàng hóa.
Ở Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đầu vào nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt từ các nước châu Á.
Đại dịch trong hai năm qua tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp, người lao động, 28,2 triệu người lao động mất việc, giảm thu nhập, 45.611 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới trong và sau đại dịch COVID-19 là nhu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.
Bởi lẽ, chuyển đổi số càng nhanh, càng sớm, doanh nghiệp sẽ càng có cơ hội phục hồi và phát triển. Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tiếp tục sản xuất kinh doanh trong môi trường an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, khắc phục khó khăn để bứt phá. Doanh nghiệp nào tiếp cận được nhiều khách hàng qua nền tảng trực tuyến sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống đã bị tổn thương nặng nề; và chuyển đổi số, do vậy, không chỉ là liều thuốc để chữa lành các vết thương đó mà còn là đòn bẩy để phục hồi và tăng trưởng. Có những công nghệ chỉ vài năm trước chúng ta tưởng ở rất xa xôi, nhưng giờ đây doanh nghiệp Việt Nam đã có thể làm chủ.
Chuyển đổi số giúp đẩy nhanh xây dựng một nhà nước kiến tạo và nền hành chính công hiệu quả, giảm thủ tục trung gian và sự phiền nhiễu để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Cùng với việc vận hành cơ sở dữ liệu công dân, các dịch vụ công trực tuyến không chỉ đem đến sự tiện lợi cho người dân mà còn giúp tăng cường minh bạch hoá và hạn chế tiêu cực, lãng phí. Những thủ tục như thuế, hải quan trước đây nếu làm trực tiếp phải chờ hàng ngày, thì nay triển khai qua mạng chỉ phải chờ có vài chục phút hoặc đôi khi chỉ là một cú nhấp chuột.
Đánh giá về phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số ở Việt Nam, tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về phát triển kinh tế Việt Nam sau tác động COVID-19”, ông Bùi Nhật Huy, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số hướng đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.
Việc chuyển đổi số phát triển giúp giảm đáng kể tổn thất doanh thu, tạo thêm việc làm cho người lao động trong các cuộc khủng hoảng ngắn hạn. Trong dài hạn, chuyển đổi số góp phần thúc đẩy các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế số, đóng góp sản lượng lớn cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Theo ông Bùi Nhật Huy, để chuyển đổi số phát triển bền vững hơn trong giai đoạn sắp tới, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số; tạo cơ chế thiết thực hơn để hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tiến tới dữ liệu mở.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, hình thành và đề xuất cơ chế cho hệ thống nhân sự làm việc chuyên trách đối với công nghệ thông tin ở khu vực. Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia vào chuyển đổi số như một ưu tiên dài hạn…