Ông Phạm Hữu Ngôn (bên phải), CEO AhaMove. Ảnh: AhaMove cung cấp. |
Trao đổi với ICTnews, ông Phạm Hữu Ngôn, CEO AhaMove cho biết, AhaMove ủng hộ Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vừa được ban hành theo Quyết định số 999 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đánh giá cao sự cởi mở và hỗ trợ của Nhà nước với loại hình kinh tế chia sẻ mà AhaMove là một công ty tham gia từ giai đoạn khá sớm.
AhaMove là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, cung cấp nền tảng giao hàng nhanh tức thời đầu tiên ở Việt Nam. Hiện AhaMove đang kết nối với gần 100.000 tài xế cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh cho các shop bán hàng online tại TP.HCM, Hà Nội. AhaMove cũng là nền tảng đầu tiên cung cấp dịch vụ gọi xe ba gác, xe tải chở hàng qua ứng dụng tại TP.HCM.
Theo ông Phạm Hữu Ngôn, Đề án 999 sẽ góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ như AhaMove phát triển thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro về mặt pháp lý. Các cơ quan ban, ngành của Nhà nước cũng sẽ đón nhận hình thức kinh tế chia sẻ tích cực hơn để từng bước đưa ra những văn bản hướng dẫn thi hành hợp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm tập trung vào bài toán cốt lõi nâng cao chất lượng của mình. Đặc biệt là các vấn đề liên quan tới thuế, quyền lợi và nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ. Khi có khung pháp lý rõ ràng và sự thống nhất của các cơ quan ban ngành thì các đơn vị cung cấp nền tảng và người cung cấp dịch vụ sẽ dễ dàng giao kết hợp đồng và trách nhiệm lẫn nhau hơn.
"Việc Nhà nước từng bước tham gia xây dựng cơ chế, chính sách sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Ví dụ, Nhà nước có thể chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung về nhân thân sẽ giúp các doanh nghiệp giảm tải rất nhiều công sức trong việc đánh giá, xác minh các cá nhân tham gia cung cấp hay sử dụng dịch vụ dịch vụ. Hoặc Nhà nước có thể đứng ra tập hợp các doanh nghiệp cùng đóng góp dữ liệu và công nghệ vào dịch vụ bản đồ số của quốc gia… Những điều này giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm nguồn lực vừa góp phần cải tiến chất lượng dịch vụ một cách đáng kể", ông Phạm Hữu Ngôn phát biểu.
Bên cạnh đó, CEO AhaMove cũng cho rằng, cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cũng sẽ giúp doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm những ý tưởng sáng tạo mới, ứng dụng công nghệ góp phần tăng năng suất cho các bên tham gia. Việc Nhà nước tham gia với vai trò định hướng, đổi mới quản lý cũng sẽ từng bước khuyến khích việc hợp tác giữa Nhà nước với doanh nghiệp, giữa các cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, giảm lãng phí tài nguyên cho xã hội.
Đề án 999 ra đời cũng nhận được sự hoan nghênh rất lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Đại diện các đơn vị cung cấp nền tảng như Rada, Grab, Novaon cho rằng, Chính phủ chính thức công nhận các mô hình kinh tế mới sẽ tạo cơ hội để các startup Việt bứt lên, dù lĩnh vực kinh tế chia sẻ là "trận đánh" không dễ dàng.
Đại diện Tập đoàn Novaon cho hay, để thành công, startup và doanh nghiệp công nghệ Việt sẽ cần 3 yếu tố: Thứ nhất, năng lực công nghệ khủng, vì làm nền tảng. Thứ hai, mô hình mới cần tính sáng tạo và đổi mới rất mạnh. Thứ ba, vì thị trường và mô hình có đối thủ nhiều ông lớn, nên việc lựa chon đối đầu hay chọn ngách cũng là chuyện sống còn.
Kinh tế chia sẻ là một lĩnh vực kinh doanh còn khá mới trên thế giới, ở Việt Nam khi Uber, Grab hay càng nền tảng cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến nước ngoài như Agoda, Booking bắt đầu cung cấp dịch vụ vào Việt Nam đã vấp phải không ít khó khăn về mặt pháp lý. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bỏ đề xuất gắn hộp đèn điện tử lên nóc xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi. Thay vào đó, Bộ Giao thông vận tải cần ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thay cho phương thức truyền thống. Quyết định của Thủ tướng nhận được sự ủng hộ của các hãng taxi công nghệ, nhưng lại vấp phải sự phản đối của các đơn vị cung cấp dịch vụ taxi truyền thống.