Cuộc phỏng vấn với CEO Arevo Vũ Xuân Sơn diễn ra ngay sau khi anh hết thời gian cách ly bắt buộc ở Đà Nẵng (mới về Việt Nam từ Mỹ) và bằng tiếng Việt. Sau khi kết thúc, anh khoe với vợ mình - Lê Diệp Kiều Trang (cựu Giám đốc Facebook Vietnam và cựu CEO GoViet – giờ đã đổi tên thành Gojek Vietnam) là "nói được tiếng Việt suốt cả buổi", "ít phải nói tiếng Anh" nhưng "chưa nói được từ m3 (mét khối)".
Trong thời gian cách ly bắt buộc, cả 2 vợ chồng Sơn vẫn tích cực chuẩn bị thủ tục cho nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới của Arevo tại Việt Nam. Ngay trước khi trở về Việt Nam, Vũ Xuân Sơn đã cho ra mắt sản phẩm in 3D bằng sợi carbon đầu tiên tại Mỹ: Superstrata – chiếc xe đạp sợi carbon nguyên khối đầu tiên trên thế giới.
Chia sẻ về cơ hội số cho nền kinh tế Việt Nam khi xảy ra đại dịch Covid-19, Vũ Xuân Sơn nói: "Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia có cơ hội lớn nhất thế giới, vì mình là quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 tốt nhất và đã hoạt động bình thường trong khi nhiều quốc gia khác vẫn còn phải đóng cửa có khi đến cả năm nữa. Nếu mình muốn xây một nhà máy ở bên Mỹ bây giờ thì chắc không thể nhưng Việt Nam thì làm được".
Tại sao anh quyết định làm việc cho Arevo và trở thành CEO chứ không chỉ là một nhà đầu tư như ở nhiều startup công nghệ khác?
Tôi thấy ý tưởng của họ hay. Khi nói chuyện với các founder, họ bảo tôi "nếu anh thích thì tham gia luôn đi" vì họ đang tìm CEO. Lúc đó hai founder (Hemant Bheda - hiện giữ ghế Chủ tịch và Wiener Mondesir - Giám đốc công nghệ) chỉ tập trung vào phát triển công nghệ. Họ là những kỹ sư giỏi và đang cần người có thể đưa công ty lên một tầm cao mới. Khi tìm hiểu sâu hơn về Arevo, tôi thấy họ sở hữu công nghệ rất mới và thị trường cho nó cũng có tiềm năng phát triển lớn nên đồng ý tham gia.
Những kinh nghiệm của anh khi làm với các startup công nghệ khác giúp gì cho Arevo?
Về mặt công nghệ, phát triển phần mềm, Arevo đã phát triển khá mạnh rồi. Giờ quan trọng là tăng cường thương mại hóa, bán hàng, quảng cáo, gọi vốn… Đó là những điều các founder cần ở tôi. Mạng lưới quan hệ kinh doanh mà tôi đã xây dựng trong hơn 20 năm qua sẽ là một lợi thế để hỗ trợ Arevo trong vai trò mới.
Sản phẩm đầu tiên vừa ra mắt của Arevo là xe đạp đầu tiên trên thế giới với khung bằng sợi carbon nguyên khối được in 3D có tên Superstrata có kết quả ra sao?
Ban đầu, mục tiêu công khai (publicy stated goal) là bán được sản phẩm ở dạng đặt trước với tổng trị giá 100.000 USD, nhưng chính thức thì mục tiêu là 3 triệu USD trong 60 ngày. Không ngờ rằng chúng tôi đã đạt con số 3 triệu USD đó chỉ trong 13 ngày đầu tiên, ngoài mong đợi. Sau 60 ngày, con số ước tính có thể đạt hơn 5 triệu USD.
Nhưng xe đạp với khung bằng sợi carbon in 3D không phải sản phẩm chính của Arevo mà chỉ là một ví dụ. Sản phẩm thực sự của Arevo là dịch vụ sản xuất các sản phẩm carbon fiber composite.
Hiện nay, các phương pháp sản xuất loại sản phẩm này trên thị trường tốn rất nhiều công sức. Một sản phẩm có thể cần hàng chục người làm nên giá rất đắt. Trong khi đó, Arevo sở hữu công nghệ và hệ thống sản xuất carbon fiber composite tự động, nhanh và rẻ hơn nhiều.
Trước đó, nhiều người không tin Arevo có thể sản xuất được sản phẩm liền mạch lớn như vậy, vì thường các máy in 3D truyền thống chỉ tạo ra được các bộ phận nhỏ. Còn máy in 3D của Arevo vừa có thể sản xuất ra khối to, vừa có giá thành rẻ hơn vài lần và làm nhanh hơn.
In một chiếc xe đạp bằng máy in 3D của Arevo chỉ mất 10-12 tiếng, nếu dùng máy in 3D bình thường không những không thể làm bằng carbon fiber, mà phải làm bằng nhựa với máy in 3D truyền thống thì chắc mất hơn một tuần (cười). Hệ thống hiện tại của Arevo có công suất là 2 chiếc xe mỗi ngày/máy nhưng sang năm có máy thế hệ thứ 3 thì có thể làm 6 chiếc mỗi ngày.
Superstrata và những xe đạp khác cũng làm từ sợi carbon khác có gì khác biệt?
Có 3 điểm khác biệt.
Thứ nhất, Superstrata là chiếc xe đạp có khung xe bằng sợi carbon nguyên khối với công nghệ in 3D tiên tiến. Với các xe đạp có khung bằng sợi carbon khác, nhà sản xuất phải "in" nhiều bộ phận khác nhau rồi ghép lại hoặc dán lại. Như vậy, khung xe bằng sợi carbon có thể nhẹ nhưng không vững, vì những mối nối sẽ dễ bị nứt khi có va chạm mạnh.
Trong khi đó, khung xe của Superstrata không cần đinh, keo, không có mối nối mà là một chiếc khung xe bằng sợi carbon nguyên khối nên vừa nhẹ, vừa vững. Thêm vào đó, vật liệu dùng để làm khung xe Superstrata là vật liệu thế hệ mới, chuyên dùng để sản xuất thân vỏ máy bay nên độ bền của khung còn cao hơn nữa.
Thứ hai và cũng quan trọng nhất là xe này được in theo yêu cầu nên phù hợp với cơ thể của từng người. Ví dụ như những người thấp thì rất khó mua xe đạp, tương tự có nhiều người cao quá cũng khó kiếm xe với kích cỡ phù hợp. Trong số các khách hàng của Arevo có những người cao tới 2m1 thì chưa bao giờ tìm được xe đạp phù hợp với họ, trước khi đặt xe đạp Superstrata của Arevo.
Thứ ba là giá rẻ hơn, nhưng chúng tôi không muốn nói nhiều về điều này vì người ta nhìn là biết rẻ hơn rồi.
Nhưng tôi cũng lưu ý, dù có nhiều ưu điểm so với xe có khung bằng sợi carbon thông thường, Superstrata chủ yếu dành cho người đạp xe có mục đích đi làm, chơi thể thao bình thường chứ không phải dành cho dân chuyên nghiệp.
Vì sao Arevo quyết định ra mắt Superstrata ở Mỹ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn rất nghiêm trọng?
Ở nước ngoài, dịch bệnh bùng rất mạnh. Người ta muốn ra ngoài mà đi bộ thì không an toàn, nhưng đi xe đạp thì có thể an toàn hơn nên họ rất thích mua xe đạp. Hơn nữa, chúng tôi cũng phải ra mắt vì mới được đầu tư. Hệ thống in 3D cũng mới hoàn thiện nên chúng tôi cũng muốn quảng bá luôn về dịch vụ sản xuất cho công ty và chọn sản phẩm xe đạp có lẽ là tiện nhất.
Thực ra, chúng tôi không cần đầu tư một hệ thống máy móc chuyên sản xuất xe đạp nên chi phí sẽ không cao. Nếu không có khách mua xe đạp nữa thì in cái khác, máy bay hay gì đó chẳng hạn (cười).
Còn việc có Covid-19 hay không Covid-19 thì tương lai của sản xuất cũng vẫn là nhà máy in 3D vì nó hiệu quả hơn nhiều, bởi không cần đầu tư vào dây chuyền lớn cho một sản phẩm duy nhất, không cần phải dự trữ các chi tiết… và có thể thay đổi rất dễ dàng.
Nhưng tại sao anh lại chọn xe đạp là sản phẩm đầu tiên của Arevo?
Có 3 lý do.
Thứ nhất, xe đạp là sản phẩm đủ to để chứng tỏ hệ thống in 3D của Arevo khác với các hệ thống in 3D truyền thống.
Thứ hai, xe đạp là sản phẩm có khung phức tạp. Nếu dùng máy in 3D truyền thống cũng không làm được, mà chỉ có thể làm từng phần nhỏ ghép lại chứ không thể in nguyên khối.
Thứ ba, xe đạp là sản phẩm đơn giản và phổ biến, ai cũng hiểu được chứ không phải thứ gì quá khác biệt, dùng để quảng cáo rất dễ.
Anh có định mở nhà máy in 3D thế hệ mới của Arevo ở Việt Nam?
Chúng tôi sẽ lập một nhà máy in sợi carbon 3D lớn nhất thế giới ở Việt Nam. Điều này có vẻ hơi lạ một chút nhưng làm được vì công nghệ là của mình. Hiện tại, chúng tôi đang xin giấy phép, Trang (Lê Diệp Kiều Trang – vợ của Vũ Xuân Sơn, đồng thời là đồng sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster) đang lo việc này.
Quý 1 năm sau (năm 2021) sẽ có ít nhất 10 máy ở Việt Nam, và đến cuối năm sẽ có khoảng 120 máy. Sản xuất Superstrata sẽ cần khoảng vài chục máy và phần còn lại sẽ sản xuất sản phẩm khác. Có lẽ tháng 11 Arevo sẽ ra mắt sản phẩm thứ hai.
Các máy in 3D này chúng tôi cũng sẽ lắp ở Việt Nam và các sản phẩm in 3D sợi carbon thế hệ mới khác cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam sau này. Thực ra thì trên thế giới cũng chưa từng có máy in sợi carbon 3D lớn và nhiều máy như vậy nên nhà máy của mình đương nhiên là lớn nhất thế giới rồi (cười).
Nhiều chuyên gia nói về cơ hội số cho nền kinh tế Việt Nam khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Anh nghĩ gì về điều này?
Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia có cơ hội lớn nhất thế giới, vì mình là quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 tốt nhất và đã hoạt động bình thường trong khi nhiều quốc gia khác vẫn còn phải đóng cửa có khi đến cả năm nữa. Nếu mình muốn xây một nhà máy ở bên Mỹ bây giờ thì chắc không thể nhưng Việt Nam thì làm được.
Vũ Xuân Sơn là một doanh nhân gốc Việt nổi tiếng ở thung lũng Silicon. Anh từng thành lập nhiều công ty công nghệ nổi tiếng ở Mỹ như FireSpout (công ty công nghệ phần mềm về xử lý ngôn ngữ), Agamatrix (công ty hiện có doanh thu hàng năm gần 100 triệu USD), Misfit Wearables (cùng cựu CEO Apple John Sculley và một người bạn đại học)…
Sau khi bán Misfit cho Fossil Group với giá 260 triệu USD, Sơn trở thành Giám đốc công nghệ của tập đoàn này. Tiếp đó, Vũ Xuân Sơn thành lập Quỹ đầu tư Alabaster cùng với vợ mình Lê Diệp Kiều Trang. Quỹ đầu tư này đầu tư vào nhiều startup công nghệ trên thế giới và Arevo –công ty công nghệ in 3D thế hệ mới có trụ sở ở Mỹ là một trong số đó. Trước khi trở thành CEO Arevo, Vũ Xuân Sơn tham gia công ty này với tư cách cố vấn kiêm nhà đầu tư.
Theo Tri thức trẻ
Gọi vốn cộng đồng không chỉ dành cho startup thiếu tiền: Bài học từ Misfit của Lê Diệp Kiều Trang và Sonny Vũ
Bên cạnh tiền bạc, crowdfunding đem lại nhiều lợi ích khác cho các startup. Đó là lý do một số công ty có đủ tiềm lực tài chính để phát triển dự án vẫn gọi vốn cộng đồng. Misfit của vợ chồng Sonny Vũ và Lê Diệp Kiều Trang là một ví dụ điển hình.