Ông Rubén Flores - Tổng giám đốc Nokia Việt Nam 

-          Như ông đã biết, Chính phủ Việt Nam khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi số. Theo ông việc này đã tạo thuận lợi như thế nào trong việc phát triển 5G nói chung và các công ty công nghệ nói riêng?

Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số, điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các thay đổi trong công nghệ. Để có thể phát triển nghành công nghiệp 4.0 thì 5G là một trong những yếu tố không thể thiếu được. Tại Nokia, chúng tôi có sự hỗ trợ của các chuyên gia và rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Trên quy mô toàn cầu, Nokia đang hợp tác với hơn 2000 doanh nghiệp và các chính phủ để chuyển đổi số.

-          Tại Việt Nam, Nokia đã đồng hành cùng các hoạt động này như thế nào?

Chúng tôi hợp tác với Mobifone, VinaPhone cung cấp hạ tầng mạng 2G ở Việt Nam, rồi mạng điện thoại cố định cho VNPT, góp phần số hóa mạng điện thoại ở Việt Nam từ những năm 90.

Sau này chúng tôi cung cấp các thiết bị cho hạ tầng Internet hộ gia đình. Gần đây, chúng tôi cung cấp giải pháp hạ tầng mạng 3G/4G cho cả ba nhà mạng Viettel, VNPT và Mobifone ở Việt Nam, và hiện nay là thử nghiệm 5G.

Với những hợp tác đó, Nokia tự hào là một trong những đối tác tin cậy đồng hành với các nhà mạng cung cấp giải pháp hạ tầng số, dịch vụ viễn thông an toàn, giúp người dân và doanh nghiệp thích nghi nhanh, tối ưu hóa các nguồn lực.

-          Được biết ông có kinh nghiệm triển khai 5G tại Mỹ Latinh, điều này giúp ích gì cho công việc của ông tại Việt Nam?

Mỹ Latinh và Việt Nam là những nền kinh tế tăng trưởng và phát triển nhanh tuy nhiên đang gặp những thách thức rất lớn. 

Ở cả 2 thị trường, các nhà mạng đang tìm kiếm các nguồn doanh thu mới và đây là lúc 5G xuất hiện. Trên thế giới, doanh thu 5G không những đến từ người tiêu dùng, mà còn từ khối doanh nghiệp và mảng B2B. Các nhà mạng có thể tận dụng xu hướng này, sáng tạo các giá trị mới nhằm gia tăng doanh thu.

Tôi đã tham gia buổi ra mắt mạng Nokia 5G đầu tiên ở Mỹ Latinh vào năm 2021 tại Chile. Tôi thấy thị trường tiếp nhận rất nhanh, chỉ sau 8 tháng ra mắt 20% lưu lượng dữ liệu đã được chuyển sang 5G, loại bỏ áp lực khỏi các mạng LTE vốn cực kỳ tắc nghẽn. Tôi mong đợi những thành công tương tự ở Việt Nam.

-          Theo ông, để thúc đẩy mạng di động 5G ở Việt Nam, các bên liên quan cần làm gì?

Một trong những thách thức lớn nhất trên toàn thế giới đối với nhà mạng khi triển khai 5G là làm thế nào để tăng doanh thu từ công nghệ mới này. Đầu tiên, Chính phủ cần hỗ trợ phổ tần ở mức giá hợp lý, phù hợp các luật định cũng như cho phép nhà mạng chia sẻ băng tần.

Tiếp đến, các nhà mạng và nhà cung cấp thiết bị đầu cuối cần có đầy đủ thiết bị với băng tần tương ứng để cung cấp cho người dùng và khách hàng.

Cuối cùng, các trường đại học và các ngành công nghiệp cùng phát triển các ứng dụng và hệ sinh thái 5G cụ thể, để công nghệ này có cơ hội phát triển.

-          Ông có cho rằng các khách hàng doanh nghiệp tại Việt Nam khá ít ỏi là một phần nguyên nhân khiến 5G chưa được triển khai mạnh mẽ hơn?

Số doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ di động 5G cho mục đích dùng riêng chiếm khoảng 39,8% trên thế giới theo thống kê của GSA tháng 8/2022.

Nokia hiện đã triển khai với nhiều khách hàng doanh nghiệp từ lĩnh vực vận tải, năng lượng, sản xuất. Và với mạng 5G dùng riêng, chúng tôi đã có hơn 485 khách hàng trên toàn thế giới.

Tôi cho rằng, Việt Nam với dân số trẻ, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh cao, đây cũng là thị trường hấp dẫn, là điểm đến của nhiều ông lớn công nghệ và sản xuất, thì cơ hội kinh doanh cho các nhà mạng viễn thông nói chung và dịch vụ 5G nói riêng sẽ rất tiềm năng khi được triển khai thương mại rộng rãi.

Quỳnh Anh