Ngày 7/3 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Cùng với chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại giấy phép lái xe đã mất theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại giấy phép lái xe không đúng quy định, Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu cơ quan này tiến hành rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại, hoặc cố tình báo mất để xin cấp lại với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX; đồng thời đề xuất các các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại GPLX”.
Ngay trước đó, chiều ngày 6/3/2019, tại phiên giải trình trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm An toàn giao thông đường bộ, đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề xuất quy định “Ai mất bằng lái xe phải thi lại”, lý do người đứng đầu Bộ GTVT đưa ra là “để tránh tình trạng xin đổi, có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba rồi cho thuê hay bán lại”. Phương án đề xuất trên của Lãnh đạo Bộ GTVT những ngày vừa qua đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối gay gắt của khá nhiều người, trong đó có các chuyên gia CNTT.
Ông Mã Hoàng Hải, CEO Công ty Rada, người đã có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực CNTT (Ảnh: Thái Anh) |
Trao đổi với ICTnews, cho rằng đề xuất “Ai mất bằng lái xe phải thi lại” của Bộ trưởng Bộ GTVT là tư duy ngược trong quản lý và thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng, CEO Công ty Rada phân tích, cơ quan quản lý chịu trách nhiệm thu thập và lưu trữ dữ liệu quản lý (ở đây là GPLX) của công dân và cần cấp lại cho công dân khi có yêu cầu. “Chúng ta có thể quy định mức phí cấp lại hoặc thậm chí là phạt hành chính (cho tái phạm 2, 3 lần) chứ không thể vin vào cớ mất giấy tờ để bắt/ép người ta đi thi lại như đề xuất được. Theo tôi được biết, ở Canada nếu bạn thay đổi địa chỉ chỉ cần thông báo tới cơ quan quản lý và họ sẽ gửi lại GPLX về đúng địa chỉ mới của bạn (tất nhiên là đã sửa theo thông tin cập nhật). Còn nếu bạn báo mất, họ sẽ cấp lại cho bạn GPLX với một mức phí theo quy định”, ông Hải nói.
Cũng theo nhận định vị chuyên gia này, mặc dù mới chỉ là đề xuất, chưa đi vào thực tiễn nhưng phương án “Ai mất bằng lái xe phải thi lại” mà Lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra dường như đang làm ngược lại với định hướng và chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, với sự tiến bộ nhanh chóng hiện nay của công nghệ, chuyển đổi số, CMCN 4.0 thì rõ ràng việc đặt nặng tư duy “giấy tờ”, cấp phép, cấp lại… sẽ làm gia tăng chi phí cho người dân, gia tăng chi phí cho xã hội và cũng là cách làm thiếu hiệu quả trong thời đại mới. Đó là một phương án lạc hậu, cần sớm phải loại bỏ ra khỏi các biện pháp quản lý.
Ông Mã Hoàng Hải chia sẻ thêm: “Hiện nay, Bộ TT&TT đang tích cực xúc tiến phương án thanh toán qua tài khoản viễn thông để giúp cho những người dân tiếp cận nhanh chóng và thụ hưởng lợi ích từ các dịch vụ/tiện ích số mang lại, phục vụ cho các hoạt động dân sinh. Đề xuất phải thi lại khi bị mất GPLX của Lãnh đạo Bộ GTVT theo tôi nếu được triển khai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho những người cần có GPLX trong sinh hoạt. Tôi chưa thể tính ngay được con số cụ thể là bao nhiêu nhưng cũng dễ thấy sự gia tăng chi phí là rất lớn trên bình diện từng cá nhân lẫn cho tổng thể cả xã hội”.
CEO Công ty Rada đề nghị, nếu hệ thống quản lý, lưu trữ thông tin dữ liệu còn chưa khoa học và giải quyết được vấn đề cấp phát lại GPLX nhanh chóng chính xác thì cơ quan quản lý cần nhanh chóng thay đổi và cập nhật giải pháp mới để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Chuyên gia CNTT Mã Hoàng Hải kỳ vọng Bộ GTVT sẽ lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cộng đồng và trên cơ sở đó lựa chọn ra phương án quản lý tối ưu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí của các thủ tục hành chính trực tiếp liên quan tới giấy tờ nói chung và cụ thể là GPLX nói riêng (Ảnh minh họa: Duongbo.vn) |
Đề xuất “Ai mất giấy phép lái xe phải thi lại” của Bộ trưởng Bộ GTVT xuất phát từ lo ngại và mong muốn giải quyết “tình trạng xin đổi, có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba rồi cho thuê hay bán lại” đã xuất hiện trong thực tế. Đề cập đến vấn đề này, ông Mã Hoàng Hải nhấn mạnh, giải pháp công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể hỗ trợ giải quyết tình trạng này mà không tạo thêm khó khăn, phiền phức cho người dân. Theo lý giải của ông Hải, điều này đồng nghĩa với việc cần đặt ra bài toán kiểm tra GPLX mà không phụ thuộc vào bằng giấy (mang theo người). Khi đó, người ta sẽ không còn động lực lấy thêm bằng lái xe thứ hai, thứ ba để cho thuê mướn hay bán nữa. Lúc đó, chỉ cần kiểm tra trên hệ thống cơ quan quản lý là có thể tra ra hết.
“Bạn có thấy máy quẹt thẻ POS hiện nay nhiều nhan nhản ra không? Ứng dụng cái đó vào kiểm tra GPLX, kết hợp với hệ thống lưu trữ trực tuyến là ổn. Hay như hệ thống phạt nguội đang được ứng dụng ở nhiều địa phương, đâu cần phụ thuộc vào tờ biên lai phạt, lên mạng tra ra và người vi phạm có trách nhiệm phải đi nộp phạt, nộp đủ rồi thì được đăng kiểm xe… Rõ ràng, Bộ GTVT cũng đã có hệ thống không phụ thuộc vào giấy tờ rồi. Nhưng theo tôi hiện họ không sử dụng hết công suất của các hệ thống đó hoặc giả định là không nhân bản được giải pháp đó sang cho bên quản lý GPLX”, chuyên gia Mã Hoàng Hải nêu ý kiến.
Nói rõ hơn về giải pháp để giải quyết tình trạng “tình trạng xin đổi, có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba rồi cho thuê hay bán lại”, ông Mã Hoàng Hải cho rằng, về cơ bản có 2 vấn đề đáng xem xét: một là, giải pháp quản lý GPLX; hai là giải pháp chống lại các hoạt động làm giả, mạo danh GPLX đang phổ biến trên thực tế.
Đối với vấn đề đầu tiên, ông Hải đề xuất cần ứng dụng công nghệ mới, cập nhật giải pháp quản lý để từ đó khai thác có hiệu quả nguồn thông tin dữ liệu đã thu thập và cũng là nghiệp vụ chính của cơ quan quản lý GPLX. Còn để chống lại các hoạt động làm giả, mạo danh GPLX, ông Hải cũng cho biết hiện có nhiều giải pháp công nghệ đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả chống lại việc làm giả và mạo danh rất tốt như: thẻ thông minh, mã vạch, chip điện tử…
“Vấn đề còn lại theo tôi chỉ là cơ quan quản lý nên lựa chọn giải pháp phù hợp. Tôi mong rằng phía Bộ chủ quản và các đơn vị chức năng lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp và trên cơ sở đó lựa chọn ra phương án quản lý tối ưu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu chi phí của các thủ tục hành chính trực tiếp liên quan tới giấy tờ nói chung và cụ thể là GPLX nói riêng”, ông Hải nói.