Doanh nghiệp số cần nhất khung pháp lý

Ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group. Ảnh: Xuân Phú

CEO ứng dụng gọi xe "be", một tân binh trong lĩnh vực gọi xe và giao vận cho hay: “Trong quá trình phát triển của Be Group, chúng tôi nhận thấy môi trường khởi nghiệp công nghệ của chúng ta tồn đọng nhiều bất cập từ khung pháp lý dành cho các mảng dịch vụ”.

Công nghệ luôn phát triển nhanh hơn khung pháp lý, các chính sách hành chính hay điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup và doanh nghiệp trong nước cũng đang chính là rào cản phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong nước khi các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ qua biên giới ngay trên chính đất nước chúng ta.

Doanh nghiệp Việt cần làm chủ hệ sinh thái số

“Sẽ khó có được một nền kinh tế số và các công nghệ cốt lõi nếu chúng ta không thay đổi”. Ông Trần Thanh Hải cho biết, doanh nghiệp công nghệ Việt cần tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc và có chiều sâu hơn trong các lĩnh vực công nghiệp 4.0. Cần tránh phụ thuộc vào các công nghệ hay dịch vụ của các tập đoàn công nghệ nước ngoài.

Lý do CEO Be Group đưa ra đó chính là tài sản dữ liệu. Vị này cho biết: “Tài sản quan trọng nhất trong lĩnh vực công nghệ đó chính là cơ sở dữ liệu người dùng, hành vi người dùng. Chính người dùng chúng ta đang hàng ngày làm giàu dữ liệu cho các dịch vụ nước ngoài. Quan điểm của chúng tôi thì dữ liệu người dùng là tài nguyên quốc gia, các doanh nghiệp Việt cần phải làm chủ được tài nguyên này. Nhà nước cần kiểm soát được tài nguyên này. Đây cũng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia trên nền không gian mạng. An ninh không gian mạng cũng chính là an ninh quốc gia. Chủ động về công nghệ, quản lý được dữ liệu là cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo những yêu cầu này”.

Doanh nghiệp Việt cùng cộng đồng người Việt và các doanh nghiệp Việt ưu tiên sử dụng các dịch vụ và sản phẩm của nhau. Qua đó chúng ta cùng tạo được thị trường chéo cho nhau nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho mỗi doanh nghiệp và qua đó góp sức xây dựng nền kinh tế số quốc gia mà không bị phụ thuộc vào công nghệ hay dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.

Bảo hộ ngược là một trong những vấn đề được lãnh đạo Be Group đề cập đến khi gửi các đề xuất của mình đến phía các nhà quản lý. Vấn đề này được nhắc đến cả trong lĩnh vực nội dung số hay các dịch vụ kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây.

Điều này cũng đã được ông Nguyễn Thế Tân, CEO VCCorp đề cập đến khi phác thảo bức tranh thị trường nội dung số cùng với những điểm bất lợi của doanh nghiệp nội dung số Việt Nam khi phải cạnh tranh với các ông lớn công nghệ của nước ngoài do những quy định, tư duy quản lý cũ. Ông Nguyễn Thế Tân cũng ví von, việc áp đặt tư duy quản lý cũ cho các dịch vụ sáng tạo công nghệ chẳng khác nào để tư duy thời khủng long cổ đại áp dụng cho xã hội loài người. 

Về phía mình, ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tránh tình trạng bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài vì các quy định khắt khe mà các doanh nghiệp trong nước đang phải nghiêm túc thực hiện. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ để có thể vững bước hội nhập khu vực một cách thuận lợi và có chiều sâu và khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài, không để mất thị trường nội địa, không để người Việt là người làm thuê, không để bị thâu tóm dữ liệu, về lâu dài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.